T.E.T – Đào tạo giáo viên hiệu quả
Trong hơn 40 năm qua, T.E.T – Đào tạo giáo viên hiệu quả đã giúp hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới học được những kĩ năng và phương pháp cần thiết để xử lý các vấn đề không thể tránh khỏi trong lớp học một cách hiệu quả và nhân văn. Đây là cuốn sách mà bất kì ai là giáo viên đều nên đọc.
Cuốn sách nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ giữa người dạy và người học – trên thực tế là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình giảng dạy. Thông qua việc thiết lập mối quan hệ hiệu quả, Tiến sĩ Thomas Gordon đã giúp các giáo viên biết được:
- Cần làm gì khi học sinh gây rắc rối.
- Nói sao để học sinh lắng nghe.
- Giải quyết mâu thuẫn như thế nào để không ai thua cuộc và không ai bị tổn thương.
- Làm thế nào để thiết lập các nội quy lớp học mà học sinh có thể thoải và tự giác thực hiện.
- Làm thế nào để tăng cường thời gian dạy và học hiệu quả.
Với những phương pháp được đưa ra trong cuốn sách này, giáo viên không cần dùng đến quyền lực để chi phối, kiểm soát học sinh, thay vào đó là chia sẻ và thấu hiểu. Từ đó tác giả Gordon cũng khuyến khích góc nhìn khoan dung hơn đối với giáo viên: giáo viên cũng là con người, và cũng có những cảm xúc, nhu cầu và khiếm khuyết.
Cuốn sách T.E.T Đào tạo giáo viên hiệu quả của Tiến sĩ Thomas Goron và cộng sự Noel Burch sẽ mang đến cho người đọc những góc nhìn và công cụ thiết thực trong việc xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn, tin cậy và hợp tác. Cuốn sách này sẽ giúp các giáo viên hiện thực hóa được chân lý “Giảng dạy chính là thực hành yêu thương”.
Khuyến Học
Khuyến học không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới đựơc in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.
Trong cuốn sách này, Fukizawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn "trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người", Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng - như "không tin vào tai mình" - cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.
Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực tế". Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản" trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.