Nhân dịp xuất bản "Biến động", cuốn sách mới nhất của Jared Diamond (2019), Omega+ đã làm trọn bộ 4 cuốn bìa cứng trong serries là: Súng, Vi trùng và Thép, Sụp đổ, Thế giới cho đến ngày hôm qua, Biến động.
Với "Biến động", Diamond vẫn giữ phong độ ở các tác phẩm trước: rõ ràng, chặt chẽ về phương pháp, lối viết sáng sủa, lôi cuốn, tư liệu đồ sộ và có tính chắt lọc cao, lối phân tích so sánh đặc trưng, chi tiết mà không bị lạc vào rừng chi tiết. Kích thích ta suy nghĩ, nhìn lại đời sống của ta, biến cố của chính đời ta, đất nước ta, đường còn xa và ta sẽ đi tiếp thế nào?
Diamond phân tích 7 biến cố điển hình của 7 quốc gia để trả lời cho câu hỏi: Các quốc gia (mẫu) đã từng đối mặt với Biến cố nào trong quá khứ, và họ đã vượt qua theo cách nào?
Đầu tiên, ông định nghĩa “biến cố” là gì? Một sự kiện của một cá nhân hay một quốc gia, cần có các đặc điểm như thế nào mới gọi là “biến cố”
Biến cố có ý nghĩa như thế nào với mỗi cá nhân và quốc gia? Vượt qua biến cố là cơ hội để trưởng thành, nhưng có mô hình chung nào cho những trường hợp "vượt biến cố" thành công?
Tiếp đó, ông phân tích mô hình các bước để một cá nhân vượt qua một biến cố riêng. Mô hình của ông lấy từ ngành trị liệu khủng hoảng, với 12 yếu tố giúp một cá nhân xử lý khủng hoảng thành công. Ông áp dụng phân tích chính trường hợp cá nhân của mình. Mục đích phần này là để người đọc qua liên hệ với cá nhân mình dễ hình dung khi đọc đến biến cố của quốc gia, bởi biến cố cá nhân là điều hầu như ai cũng từng trải nghiệm.
Với các quốc gia, ông đã phân tích 7 quốc gia hiện đại: Phần Lan, Nhật, Chile, Indonesia, Đức, Úc và Mỹ. Ngoại trừ nước Nhật, các nước còn lại là những quốc gia ông từng sống, gắn bó và hiểu sâu sắc. Tuy nhiên Nhật lại là nước được phân tích rất kỹ và dành hẳn hai chương: nước Nhật thời Minh trị, khi họ vượt qua được thách thức từ tình thế khi các nước Phương Tây tràn đến trong khi họ vẫn đang khép kín; và nước Nhật bây giờ với các khó khăn đang đối mặt có thể hội đủ thành một tình thế “biến cố”.
Nước Mỹ, đất nước của chính Diamond cũng được phân tích sâu với nhiều vấn đề đang để ngỏ.
Các mẫu hình trên được phân tích theo mô hình 12 yếu tố giúp một quốc gia vượt qua biến cố thành công, dù tiến trình và các thức rất khác nhau, và dù các đặc điểm quốc gia, văn hóa, lịch sử, thể chế và tính chất các vấn đề mà 12 quốc gia đó đối mặt đều khác hẳn nhau.
Mô hình 12 yếu tố liên quan đến hệ quả của một biến cố quốc gia:
- Đồng thuận quốc gia trong một nước đang có biến cố
- Thừa nhận trách nhiệm để xử lý
- Dựng một hàng rào để khoanh lại các vấn đề của đất nước cần phải xử lý
- Tìm kiếm giúp đỡ vật chất và tài chính từ các quốc gia khác
- Lựa chọn hình mẫu cách thức giải quyết vấn đề từ quốc gia khác để áp dụng cho mình
- Căn tính quốc gia
- Đánh giá quốc gia một cách trung thực
- Kinh nghiệm lịch sử của các biến cố quốc gia trước đó
- Đối phó với thất bại quốc gia
- Tính linh hoạt trong tình huống đặc biệt
- Cốt lõi giá trị quốc gia
- Thoát khỏi những ràng buộc địa chính trị
Các phân tích này hướng tới câu hỏi cho mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia: Biến cố họ đang phải đối mặt là gì, và cần các yếu tố nào để có thể tận dụng thành công một biến cố? “Đừng bao giờ bỏ phí một biến cố” như Churchill đã nói.
Và câu hỏi lớn hơn: Thế giới đang đối mặt với điều gì, và cần làm gì để vượt qua biến cố sống còn của lịch sử? Tác giả nêu rõ: Đây là cuốn sách viết để nhiều thập niên sau vẫn có thể đọc được, nghĩa là những vấn đề cấp bách nhưng dài hạn, chứ không phải các vấn đề đang diễn tiến nhanh chóng và liên tục bị thay thế.