Văn học tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, phong phú, nở rộ của thể loại văn xuôi tự sự . Nhắc đến những tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của thời kỳ này, không thể bỏ qua một đại diện nổi bật, tiểu thuyết Giông tố của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng.
So với các tác phẩm tự sự Việt Nam cùng thời, Giông tố của Vũ Trọng Phụng được giới phê bình đánh giá là vượt trội cả về chiều rộng và chiều sâu của sự khái quát. Người ta thấy ở đây bức tranh xã hội Việt Nam giữa những năm 1930 với khá nhiều nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ thôn quê đến thành thị, từ giới quan lại của Pháp và của triều Nguyễn cấp tỉnh cấp huyện đến đám cường hào làng xã, từ giới công thương gia đến giới nhà báo, cho đến các tầng lớp dân nghèo ở thôn quê và đô thị.
Ngòi bút nhà văn phản ánh một cách trung thực tình trạng bất công, bất bình đẳng sâu sắc giữa người với người trong xã hội Việt đương thời, tố cáo sự chà đạp lên số phận, nhân phẩm người nghèo của những thế lực có tiền có quyền, vạch rõ tình trạng tha hóa con người đang diễn ra hầu như phổ quát ở mọi tầng lớp.
Giông tố, dẫu rằng chưa được xem là một tác phẩm toàn bích, nhưng đã chứng tỏ một bút lực mãnh liệt, một tài năng khái quát và tổng hợp cao để đưa vào tiểu thuyết một bức tranh thời đại phức tạp đầy biến động, dựng được một loạt nhân vật chân thực sống động, trong đó có những điển hình đầy sức sống.