Bỉ vỏ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyên Hồng, được sáng tác khi ông chưa đầy hai mươi tuổi, cuốn tiểu thuyết đánh dấu một sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông. Đây là một trong những tác phẩm giúp Nguyên Hồng có được vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, được đánh giá là một trong số các đại diện xuất sắc của nền văn học tiền chiến.
Tiểu thuyết Bỉ vỏ được ví như bức tranh sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội, những kẻ lưu manh trộm cướp và những người bị đẩy vào vòng xoáy đó. Ở tác phẩm này, Nguyên Hồng đã sử dụng dày đặc một lớp từ lóng đặc trưng để khắc họa rõ nét chân thực những nhân vật và mảnh đời của họ. Trong ấn bản Bỉ vỏ do Nhã Nam phát hành có bảng liệt kê tiếng lóng và giải nghĩa chi tiết các từ này.
Ấn bản này được thực hiện theo bản in đầu năm 1938 của nhà xuất bản Đời nay, ấn bản mang dòng chữ giống như tờ giấy thông hành vào nghề văn của Nguyên Hồng: “Giải thưởng phóng sự tiểu thuyết năm 1937 của Tự Lực Văn Đoàn”.