Truyện được viết theo thể loại hồi ký hư cấu (fictional memoir), kể về nhân vật “tôi” bươn chải kiếm sống ở thành phố Paris (Pháp) và cuối cùng phải dạt về quê hương là London (Anh). Tác phẩm mở đầu với một trận chửi bới của mụ chủ trọ với một khách trọ tại khu phố mà “tôi” sống. Nghề nghiệp của nhân vật không ổn định, anh nhiều bận nhịn đói trước khi xin được một chân bồi bếp tại một nhà hàng. Sau khi trôi dạt về quê hương, nhân vật trong lúc chờ việc mới đã phải lang thang đầu đường xó chợ, tình trạng đói ăn càng thê thảm hơn và nhiều lúc rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
George Orwell lấy tiêu đề quyển sách là “Down and Out”, hiểu theo nghĩa đen là sa xuống đáy và dạt ra ngoài lề xã hội, và tác phẩm đã phô bày cho độc giả một hiện thực khốc liệt mà tàn nhẫn như thế. Dịch giả chuyển ngữ cụm này thành “Chìm nổi” rất hay. Từ chìm nổi mà dịch giả dùng, nó cùng trường, bao hàm và bóng bẩy hơn những từ như lang bạt, lang thang, du thủ du thực, cơ nhỡ… Chìm nổi nghĩa là sự vật lúc thế này, lúc thế khác, nó gợi lên phận người nhỏ bé và đôi khi vô nghĩa hơn cả bèo hay những sinh vật phù du, mà ở đây, hành trình nhân vật “tôi” sa xuống tận cùng đáy của xã hội cho thấy rõ điều đó.
Chìm nổi giữa Paris và London là bản thảo cho thấy hiện thực rất khốc liệt trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mà cụ thể ở đây là những người lao động chân tay (bồi bếp, lao công, móc cống…) sa xuống hàng ăn mày, rày đây mai đó quanh các nhà trọ tình nguyện để được đáp ứng những nhu cầu dưới mức cơ bản của con người. Trong bản thảo, tác giả dành rất nhiều trang để mô tả cảnh con người bị máy móc hóa, vật hóa qua lăng kính của nhân vật “tôi” lúc anh này sống ở Paris và rơi xuống dưới cả mức tồn tại, nghĩa là cực kỳ bần tiện, nhỏ nhen, bất cần, vô vọng và tuyệt vọng khi nhân vật này gia nhập binh đoàn những kẻ lang thang ở London. Đây là tác phẩm không lên tiếng tố cáo hiện thực mà nghiêng về phô bày hiện thực, từ đó đề ra phương sách để cải thiện đời sống của họ ở những trang cuối cùng, khi cảm xúc của độc giả đã bị “hủy diệt”.
Sự phân hóa cùng cực trong xã hội tư bản, như đã đề cập ở trên, máy móc hóa con người đến mức họ chẳng còn thời giờ để nhận ra điều đó mà suy tư, than van. Tác giả đã dùng ngòi bút của mình để thăm dò vào từng ngóc ngách của những người vô gia cư, ăn xin để độc giả hình dung rõ hơn điều đó. Sách không dày (bản gốc tiếng Anh trên 210 trang) nhưng sức mô tả lớn, bao quát.