- Bạn nghĩ mình có trí nhớ tốt ư?
- Bạn nghĩ rằng mọi ký ức của mình đều hoàn toàn chính xác?
Đáng buồn là, trí nhớ không phải bản ghi chép quá khứ chính xác và hoàn hảo như chúng ta vẫn tưởng. Ký ức liên tục biến mất. Ta bước vào phòng và ngay lập tức quên mất mình vào đây để làm gì, hoặc ta đột nhiên không thể nhớ ra tên của một người mà mình đã gặp nhiều lần trước đó. Vậy hãy thử tưởng tượng, những hậu quả nghiêm trọng nào có thể bị kéo theo, nếu như bộ nhớ đầy thiếu sót của ta không những quên, mà còn có nguy cơ bóp méo thông tin và thêu dệt nên một ký ức hoàn toàn mới - ngay cả khi chuyện đó chưa từng xảy ra?
Thao túng ký ức là cuốn sách tổng hợp những nghiên cứu mới nhất về não bộ và trí nhớ: cơ chế ghi nhớ của não bộ, các yếu tố hình thành nên những ký ức không có thật và một số nguyên tắc để cải thiện trí nhớ. Trong cuốn “Thao túng ký ức”, nhà tâm lý học pháp y, đồng thời là chuyên gia về trí nhớ, Tiến sĩ Julia Shaw đã sử dụng những nghiên cứu mới nhất cho thấy cách bộ não của chúng ta bóp méo ký ức đúng đắn và tạo ra những ký ức về sự kiện không có thực. Cuốn sách đưa ra các dẫn chứng cho người đọc hiểu rằng, ký ức giả không chỉ ảnh hưởng tới chính bản thân người sở hữu ký ức đó, mà còn ảnh hưởng tới xã hội như thế nào: Ký ức giả có thể khiến chúng ta tự tin thái quá vào khả năng ghi nhớ của chính mình, khiến cảnh sát bỏ tù không ít người vô tội, thậm chí có thể khiến một người nổi tiếng tiêu tan sự nghiệp... Không chỉ có vậy, cuốn sách còn tiết lộ cách để cải thiện trí nhớ thông qua việc thừa nhận ký ức có nguy cơ bị sai sót. Từ đó, người đọc không chỉ sở hữu những kiến thức về khoa học trí nhớ, mà còn biết thêm nhiều phương pháp giúp tăng cường khả năng lưu giữ thông tin chính xác và hiệu quả. Lôi cuốn và đầy bất ngờ, “Thao túng ký ức” chính là một người bạn đồng hành trên con đường khám phá bản thân chúng ta dựa trên cơ sở khoa học về trí nhớ. Cuốn sách này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách ghi nhớ của não bộ, về tính đúng đắn của những ký ức mà ta sở hữu, khiến bạn phải đặt câu hỏi rằng bạn thực sự hiểu bản thân mình đến mức nào.
Một số trích dẫn
“Những trải nghiệm khi còn nhỏ và ảnh hưởng của môi trường có thể để lại những dấu vết vĩnh viễn trong khuynh hướng di truyền, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ đang phát triển và tình trạng sức khỏe về lâu dài.” - Tiến sĩ Y khoa Jack Shonkoff và các cộng sự
“Khi tìm kiếm công lý, chúng ta phải nhớ, chúng ta cần bảo vệ các nạn nhân bị lạm dụng, đồng thời cũng phải cố gắng hết sức để bảo vệ những người bị buộc tội sai.” (Không có lửa làm sao có khói)
“Những ký ức giả sống động có tồn tại, cho dù chúng ta muốn hay không.” (Những khẩu súng được thuê)
“Quá khứ là một hình dung hư cấu, và điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn phần nào chính là những gì đang xảy ra trong hiện tại. Hiểu biết này khuyến khích chúng ta sống trong hiện tại và không quá để tâm đến quá khứ. Hiểu biết này buộc chúng ta phải chấp nhận khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời và trong ký ức của chúng ta chính là hiện tại.” (Tôi thích phiên bản sự thật của mình hơn)