Thế nào là điên? Tại sao tâm trí ta lại rối loạn? Các chứng tâm thần là do những trục trặc ở não hay chỉ đơn thuần là tâm bệnh mà thôi? Nếu một người gặp ảo giác, có những suy nghĩ lạ lùng hay cư xử kỳ quặc, liệu ta nên mang anh ta đến khoa thần kinh, mang đi chụp quét não, kê thuốc hoặc phẫu thuật nếu cần thiết, hay nên chuyển anh đến một bác sỹ trị liệu qua đối thoại và tư vấn? Liệu có gì khác biệt giữa một một bộ não mắc bệnh và tâm trí mắc bệnh?
Các nhà khoa học và các bác sỹ đã trăn trở hàng trăm năm trước những câu hỏi này. Sách Não bộ mất trí, do một nhà thần kinh học được nể trọng, một học giả lịch sử y khoa chắp bút, giúp truy tìm nguồn cội của ý niệm về chứng điên và hành trình ta đã đơn giản hoá tâm trí thành đơn thuần là sự phóng điện giữa các tế bào thần kinh. Tác giả bắt đầu câu chuyện với giang mai thần kinh, một bệnh lý từng giày vò nhiều nhân vật nổi tiếng như van Gogh, Hầu tước họ Sade, Nietzsche, Guy de Maupassant, Al Capone. Chính bệnh lý này đã biến chứng điên loạn thành một vấn đề y khoa và khởi xướng ngành tâm thần học.
Não bộ mất trí là câu chuyện kể theo dòng lịch sử, về mối quan hệ lúc gần gũi lúc xa cách của thần kinh học và tâm thần học. Một mặt, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp vén màn bí ẩn che phủ những căn bệnh vật lý gây tổn thương tâm thần như giang mai thần kinh, bệnh Huntington,… Mặt kia, ta ngày càng xoay vần với việc bệnh hoá mọi tâm trạng và suy nghĩ trong đầu, rồi phải tìm cho bằng được một liều thuốc nào đấy để chữa trị, trong khi thực ra đấy chỉ là một lối sống bình thường. Làm sao ta hiểu được các rối loạn nghiêm trọng như tâm thần phân liệt hay hội chứng Tourette khi mà não bộ của người mắc lại chẳng cho thấy điều gì bất thường dưới kính hiển vi? Bằng cách lục lại lịch sử, cuốn sách này chứng minh rằng nếu chỉ dựa vào khoa học thần kinh và các ảnh chụp quét não thôi thì chẳng thể nào hiểu được thấu đáo một đời sống tinh thần hoặc vô cùng phong phú, hoặc cực kỳ rối loạn.