TÂM LÝ HỌC PHÁT TRIỂN (developmental psychology) là một bước ngoặt vô cùng lớn trong tâm lý học và xét riêng trong lĩnh vực giáo dục, là đóng góp quan trọng nhất.
Nói tới những nhân vật tiền phong, khi còn chưa có thuật ngữ “phát triển”, bắt buộc phải kể đến ba người: Jean-Jacques Rousseau, Charles Darwin, Sigmund Freud.
Đóng góp lớn nhất của tâm lý học phát triển được thấy ở hai điều rất giản dị song, như lời ngợi khen của Albert Einstein dành cho Jean Piaget: chỉ thiên tài mới nghĩ ra được điều giản dị.
Đóng góp thứ nhất chính là khái niệm về phát triển. Đóng góp thứ hai, đảo ngược cách tiếp cận trước đó, tức là tâm lý học phát triển đi vào “phân tích” (hơn là mô tả) trẻ em để từ đó hiểu người lớn. Tâm lý học phát triển đi vào phân tích nguồn gốc sinh thành và phát triển của trẻ em. Từ nay ta có thể nhìn vào trẻ em để hiểu người lớn và nói cho rộng ra, để hiểu toàn bộ loài người.
Ba nhà tâm lý học phát triển không thể bỏ qua (incontournable): Jean Piaget, Howard Gardner, và Lev Semyonovich Vygotsky.
Người sau cùng có số phận làm khoa học không may mắn. Vygotsky đã bị lãng quên, thậm chí bị hiểu lầm trong suốt một thời gian rất dài và chính các nhà tâm lý học ở bên ngoài Liên Xô cũ đã phát hiện và “tìm lại” Vygotsky, Mozart của tâm lý học (lời nhà triết học người Anh S. Toulminn, sinh 1922, mất 2009).
Lev Semenovich Vygotsky có một số phận làm khoa học thật đặc biệt. Ông là một trong những nhà tâm lý học lớn đã đi vào nghiên cứu vấn đề biểu tượng. Suốt cả thế kỷ XX người ta không biết đến Vygotsky ông mất ở tuổi 38 và chỉ có khoảng chục năm dành cho nghiên cứu khoa học và đã không kịp xuất bản các tác phẩm quan trọng nhất của mình.
Ấy thế nhưng ngay cả trong những điều kiện này, một “Mozart của tâm lý học” (như nhà triết học S. Toulmin đã gọi ông như thế) đã kịp mở đầu cho những lý thuyết đầy hứa hẹn nhất của tâm lý học. Hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời các tác phẩm chính của ông đã được xuất bản Vygotsky đã được thừa nhận là một tác gia tiền phong (avant - garde): “Chắc chắn ở nhiều phương diện Vygotsky đi trước rất xa thời đại của chúng ta” (Rivière, 1984).
Một hiện tượng hiếm hoi như Vygotsky trong lịch sử khoa học có thể được lý giải bằng hai yếu tố có liên hệ mật thiết với nhau: một mặt, sự phong phú và độc đáo của các tác phẩm và công trình khoa học của ông trong một quãng thời gian tương đối ngắn chính là bằng chứng chắc chắn về thiên tài của Vygotsky; mặt khác, Vygotsky sống và làm việc trong một giai đoạn có nhiều biến động lịch sử”
(Trích Paris, UNESCO: Văn phòng Quốc tế Giáo dục) vol XXIV, n° 3/4 1994 (91/92) tr. 793-820).