Cuốn sách này ra đời nhân dịp Việt Nam kỉ niệm 40 năm ngày chấm dứt chiến tranh và gần 30 năm từ khi có Đổi mới. Đánh giá thành quả phát triển trong 40 năm qua, phân tích những thách thức hiện nay và đề khởi đổi mới tư duy và chiến lược cho giai đoạn mới là ba phần chính của cuốn sách. Ngoài ra có chín phụ trang về các vấn đề văn hóa, giáo dục, lịch sử, những khía cạnh có liên quan đến vấn đề phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nhiều nội dung trong cuốn sách là những bài viết đã đăng trên các báo ở trong và ngoài nước trong vài năm qua, trong đó nhiều nhất là những bài trên Thời báo kinh tế Saigon. Phần lớn nội dung của Lời nói đầu này cũng đã đăng trên số báo Tết Bính Thân (phát hành giữa tháng 1/2016) của tạp chí này. Ngoài ra, Vietnamnet, Tuổi Trẻ, Doanh nhân Saigon cuối tuần, Diễn Đàn, Thời đại mới, Đà Nẵng, v.v… cũng là xuất xứ của nhiều chương và phụ trang trong sách này. Tuy dùng nhiều bài đã đăng nhưng lần này tác giả đã bổ sung, làm mới tư liệu và sửa chữa những chỗ chưa chính xác. Tác giả cảm ơn ban biên tập các báo nói trên. Việc soạn thảo, chỉnh lí nội dung cuốn sách vào giai đoạn cuối thì tác giả có dịp tham gia dự án Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam thực hiện và đóng góp bài viết “Việt Nam cần một nền kinh tế thị trường định hướng phát triển: Đánh giá 30 năm đổi mới và nhìn về tương lai”.
Tác giả cảm ơn chị Phạm Chi Lan, một trong những chuyên gia phụ trách dự án nói trên, đã có nhã ý yêu cầu tham gia nên tác giả có dịp tổng kết các suy nghĩ về chủ đề chính trong sách này. Ngoài ra, trong mấy năm qua, qua các hội thảo hoặc qua trao đổi riêng, tác giả nhận được rất nhiều ý kiến, nhiều tư liệu và thông tin bổ ích hoặc những khuyến khích quý giá trong quá trình hình thành ý tưởng và phân tích cho nội dung cuốn sách. Không thể kể hết, nhưng có dịp trao đổi nhiều nhất là những anh chị Lê Đăng Doanh, Trần Hữu Dũng, Phan Chánh Dưỡng, Chu Hảo, Phạm Chi Lan, Trần Đức Nguyên, Huỳnh Bửu Sơn, Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên, Trần Trọng Thức, Hà Dương Tường, và Vũ Quang Việt.