Bi Lừa học rất khá, mê đá bóng và là tiền đạo không thể thiếu của đội tuyển trường. Cha cậu đạp xích lô, bị tai nạn phải nằm điều trị vô cùng tốn kém. Trở thành lao động chính trong nhà, Bi quyết định bỏ học năm cuối cấp, đi bán vé số phụ mẹ lo cho cha và nuôi em. Thế nhưng vòng bán kết giải bóng đá học sinh trung học cơ sở toàn thành đang chuẩn bị diễn ra. Với sự vắng mặt của Bi Lừa, đội tuyển trường cậu coi như cầm chắc phần thua…
Rồi còn có Tâm, bạn học cùng lớp với Bi, bị sốt bại liệt từ nhỏ nên teo một chân, đi đứng khó khăn nhưng cũng mê chụp bóng đến phát cuồng…
Sút đi Bi! là câu chuyện sống động về tình bạn trong sáng của tuổi học trò, tình nghĩa giang hồ của trẻ em đường phố, tình đồng đội của một đội bóng nhí… Cùng với các thầy cô và phụ huynh nhiệt tâm, các nhân vật nhỏ tuổi đã làm nên một kì tích đẹp đẽ và tràn đầy yêu thương.
Thông tin tác giả
Sinh ngày 18-10-1951 tại Quảng Ngãi. Có thể nói, thế hệ văn chương phía Nam trưởng thành sau năm 1975, có Nguyễn Đông Thức là “con nhà nòi”. Cha là nhà báo Nguyễn Đức Huy, từng làm chủ bút và cộng tác với các báo như Sài Thành, Sài Gòn Mới..., khi làm thơ ký bút danh Hồng Tiêu (em ruột của nhà thơ Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận). Mẹ là nhà văn nổi tiếng Bà Tùng Long, ngoài vài chục tập tiểu thuyết tâm lý xã hội được phụ nữ miền Nam một thời “gối đầu giường”, bà còn được ghi nhận là người tiên phong mở mục “Gỡ rối tơ lòng” trên nhiều tờ báo như Sài Gòn Mới, Tiếng Vang, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn (tương tự chị Thanh Tâm trên báo Phụ Nữ Việt Nam ở ngoài Bắc, chị Hạnh Dung trên báo Phụ Nữ TP.HCM).
Con đường vào văn chương của Nguyễn Đông Thức không vì thế mà thuận lợi hơn người khác, chỉ thuận lợi chăng là cái “năng khiếu” đã ngấm vào máu thịt từ thuở bé và nhất là ý thức về nghề. Tác phẩm đã xuất bản: Ngọc trong đá, Trăm sông về biển, Vĩnh biệt mùa hè, Ngôi sao cô đơn, Như núi như mây (tiểu thuyết), Mưa khuya, Tình yêu thường không dễ hiểu, Mối tình đầu tiên và cuối cùng, Chuyện tình tự kể, Tiên bay về trời, Đời (tập truyện ngắn)..., cùng vài kịch bản sân khấu, điện ảnh. Từng nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TP.HCM, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Sài Gòn Giải Phóng... Suy nghĩ về nghề: “Một nghề chỉ có thể theo với một niềm yêu thích không ngừng. Ngày nào cũng phải viết, ít hay nhiều. Hơn 30 năm theo nghề, tôi vẫn thấy thèm được viết...”.