“Đọc sách và con đười gian nan vạn dặm” là những trải nghiệm, suy tư, trăn trở của tác giả về thực trạng giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam. Bằng những trải nghiệm của cá nhân, cũng như bằng những nghiên cứu, khảo luận và quan sát của cá nhân, tác giả mong muốn có thể chia sẻ và được đồng hành với phát triển văn hóa đọc cũng như đóng góp cho sự thay đổi giáo dục nước nhà. Cuốn sách gồm nhiều bài viết là những bài phát biểu tại các buổi nói chuyện về sách, giáo dục hay những phỏng vấn báo chí thể hiện sự dấn thân và tâm huyết của tác giả đối với sự phát triển văn hóa đọc cũng như thay đổi nhận thức, tư duy giáo dục.
Trong cuốn sách này tác giả cũng công bố bản dịch hoàn chỉnh các văn bản luật, quy định của Nhật Bản liên quan tới tổ chức thư viện, khuyến đọc và phục hưng văn hóa đọc. Cùng với hai bài khảo sát thực trạng đọc sách tại Nhật Bản, hệ thống văn bản này cung cấp một tham chiếu độc đáo đối với Việt Nam hiện nay trong nỗ lực cải thiện và nâng cao dân trí nói chung thông qua khuyến đọc. Vì vậy, bên cạnh việc truyền cảm hứng đọc sách, cuốn sách còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho quá trình phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.
“Đọc, ban đầu sẽ là việc nhàm chán với những người chưa quen. Họ có thể mỏi tay, mỏi cổ, mỏi lưng, buồn ngủ hay những gì đang đọc chỉ lướt qua bề ngoài mà không tác động được vào suy nghĩ, cảm xúc của họ”. Vì vậy, bằng những trải nghiệm cá nhân cũng như dấn thân với văn hóa đọc, Nguyễn Quốc Vương hy vọng cuốn sách sẽ góp phần giúp con đường phát triển văn hóa đọc bớt gian nan.
Nguyễn Quốc Vương khẳng định “Đọc sách là một hình thức học tập mở, có vai trò to lớn và diễn tiến suốt cả đời người, đọc sách không chỉ giúp chúng ta bổ sung kiến thức, bồi dưỡng trí tuệ, không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có về tâm hồn. Tác giả khẳng định: “Có sức mạnh nội tâm con người sẽ không sợ hãi trước các thách thức từ thực tế. Vai trò của đọc sách đối với giáo dục gia đình chính là ở chỗ ấy”.
“Dân chúng biết đọc, ham đọc, có thói quen đọc, sách vở được in ra và bán rộng rãi, dễ dàng là một điều kiện tuyệt vời để truyền bá văn minh, thức tỉnh quốc dân và thay đổi các thói quen tư duy, lề lối cũ. Nếu không có điều kiện đó nước Nhật chưa chắc đã thành công trong thời Minh Trị, cho dù bộ phận tinh hoa và nắm giữ quyền lực chính trị khi đó có “anh minh, sáng suốt” thế nào đi chăng nữa”.
“Thông qua sự tiến bộ của cá nhân để đạt được sự tiến bộ về xã hội là một mệnh đề ngày càng được thực tiễn lịch sử chứng minh là đúng đắn và có sức hấp dẫn. Khi hiểu như vậy, ta sẽ thấy để kiến tạo một quốc gia, một cộng đồng văn minh không thể nào không dựa trên nền tảng văn hóa đọc với trụ cột là thói quen, năng lực đọc sách của từng cá nhân, từng công dân.”
Thông qua đọc sách việc mở mang trí thức để làm việc, lao động sản xuất mà đọc sách việc đọc sách còn mang đến cho con người sự tinh tế, lòng trắc ẩn, cảm xúc phong phú. Vì thế, “không phải ngẫu nhiên mà một trong những mục tiêu cơ bản của nhiều nền giáo dục là hình thành nên “tâm hồn phong phú ở trẻ em. Để có tâm hồn phong phú, con người phải được giáo dục. Đọc sách là một phương thức nằm trong đó”.
“Không phải ngẫu nhiên mà trong nhà tù ở các nước tiên tiến, người ta trong khi tước đi quyền công dân, vẫn đảm bảo quyền đọc sách của phạm nhân. Đơn giản vì họ tin đọc sách giúp phục hồi và duy trì nhân tính ... Tại trại tạm giam mà tôi thường đến phiên dịch, đầu hành lang nơi những người bước ra từ trại tạm giam khi được trả tự do sẽ đi qua, có đặt tấm biển lớn với dòng chữ viết kiểu thư pháp chân phương: Là người thì sẽ phạm sai lầm nhưng không để sai lầm lặp lại mới chính là người .Và ở ngay bên dưới là giá sách, tạp chí. Sự sắp đặt ấy là sắp đặt có tính biểu tượng và đầy ý nghĩa.”