Là một hoạ sĩ tài ba, Trữ Ngọc còn làm thơ, nghiên cứu văn học, lịch sử Trung Quốc. Tranh của ông bán rất chạy, được ái mộ trong lẫn ngoài nước. Vì cấp trên giao quá nhiều việc ở Viện Văn Sử nên ông không còn thời gian sáng tác. Áp lực càng nặng nề hơn từ bà vợ đầy quyền thế muốn Trữ Ngọc làm mọi thứ theo ý bà để ông thăng quan tiến chức. Bà vốn là sếp trực tiếp, đã lừa ông lên giường ngủ rồi buộc phải lấy bà, hạ sinh một người con trai bị tâm thần.
Ngày nọ có một cô gái trẻ xuất hiện trong gia đình họ. Đó là Tuyết Lệ. Cô đang đi cải tạo lao động vùng rừng núi xa thì bị quản giáo cưỡng hiếp phải bỏ trốn về thành phố. Để yên thân cô bắt buộc phải làm vợ chàng trai điên loạn theo âm mưu sắp đặt của bà vợ Trữ Ngọc. Dù vậy, cô không bao giờ chịu cho người chồng tâm thần mà mình không yêu thương chiếm đoạt thân xác, mặc mẹ chồng và chồng chửi bới đánh đập tàn nhẫn. Những lúc ấy cô chỉ biết khóc than cầu cứu Trữ Ngọc nhưng ông hoàn toàn bất lực.
Không thể mãi chịu đựng bà vợ cửa quyền vô nhân tính, hoạ sĩ Trữ Ngọc ly thân vợ ra ở riêng trong căn hộ nhỏ tập thể chung đụng. Tuyết Lệ cũng cố vượt thoát sự đè nén của mẹ chồng và nhục hình từ người chồng điên loạn hung bạo nên đã trốn tìm đến nương tựa Trữ Ngọc. Bà vợ quyền lực cho người truy tìm đập phá nhà và bắt Trữ Ngọc bỏ tù. Tuyết Lệ may mắn trốn thoát. Vì không thể kết tội nên chính quyền buộc phải thả Trữ Ngọc, còn Tuyết Lệ sau khi tìm cách ra toà ly dị người chồng điên loạn lại quay về với ông.
Thực ra tài năng và tấm lòng nhân hậu của Trữ Ngọc đã làm xiêu lòng Tuyết Lệ ngay thời gian đầu cô đến làm dâu hờ nhà ông. Ngược lại Trữ Ngọc cũng xao động trước người đàn bà trẻ nhan sắc bất hạnh. Song hoàn cảnh và đạo lý giữ họ có khoảng cách. Thế nhưng cuối cùng danh phận cha chồng nàng dâu không ngăn được hai con người đau khổ từ thương hại nhau, cảm tình nhau đến yêu nhau. Đó cũng là lần đầu trong đời trái tim họ rung động đích thực trước người khác giới.
Mặc cho thiên hạ xì xào loạn luân, tình yêu mãnh liệt đã giúp Trữ Ngọc trẻ lại, đầy cảm hứng sáng tác. Hàng ngày ông chăm chú dạy Tuyết Lệ vẽ tranh. Còn cô hết mực yêu thương chăm sóc ông chu đáo. Nhưng rồi hạnh phúc chưa được bao lâu thì Trữ Ngọc qua đời vì bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bà vợ lại kéo lưu manh đến quậy phá, đốt sạch tranh và sách vở. Tuyết Lệ trốn chạy về phương nam, tiếp tục theo đuổi con đường hội họa. Một thời gian sau cô tổ chức cuộc triển lãm tranh mang tên Trữ Ngọc. Thể xác hóa hư vô nhưng tinh anh và tên tuổi danh họa vẫn lưu lại trên cõi đời, cho dẫu những bức tranh kia không hẳn do Trữ Ngọc vẽ…
Đó là tóm tắt truyện dài Loạn luân của nhà văn Lỗ Nhan Châu (Trung Quốc) do nhà thơ Hoài Vũ dịch sang tiếng Việt, đầy lôi cuốn. Không chỉ ở cốt truyện và thông điệp của tác giả mà sự hấp dẫn còn ở cách chuyển ngữ, hành văn, ứng xử với từng chi tiết, con chữ của dịch giả mượt mà, uyển chuyển, quyến rũ người đọc. Và chẳng những Loạn luân mà bất cứ truyện nào trong tập Hoa trong tuyết khi đọc rồi chúng ta khó rời mắt.