Khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của cuốn sách, nhóm tác giả đã chủ đích sử dụng lý thuyết của Edgar Henry Schein – một giáo sư nổi tiếng của Mỹ chuyên nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp – để khám phá và phân tích về văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu Schein nghiên cứu văn hóa của Digital Equipment Corporation (DEC), một công ty về công nghệ thông tin đã từng rất nổi tiếng tại Mỹ để minh họa cho các khái niệm của ông thì nhóm tác giả lại hứng thú khám phá văn hóa FPT – một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam – để củng cố các luận điểm của mình về văn hóa doanh nghiệp.
Để thực hiện cuốn sách, nhóm tác giả đã tham khảo, nghiên cứu hàng ngàn trang viết về thực tiễn cuộc sống, văn hóa của FPT thông qua các cuốn sử ký, lược sử, nội san… do chính người FPT ghi chép lại trong hơn 30 năm qua. Đặc biệt, họ đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ, phỏng vấn, trò chuyện với các nhân chứng sống, là các sáng lập viên, lãnh đạo các cấp, những người có ảnh hưởng quan trọng trong quá trình hình thành văn hóa FPT.
Và khá bất ngờ, trong quá trình nghiên cứu, họ khám phá được nhiều sự kiện, câu chuyện, bối cảnh lịch sử chưa từng được “phát lộ” trong FPT, thậm chí được giữ kín suốt 1/3 thế kỷ. Khá nhiều khía cạnh văn hóa FPT đã được tường minh thông qua các “thâm cung bí sử” này. Từ đó, nhóm tác giả có mong muốn sản phẩm của mình sẽ là một cuốn sách chuẩn mực, có giá trị đối với những ai quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Và như một ngầm định nào đó, họ quyết định đặt tên cho cuốn sách này là “FPT bí lục”.