Trí Tuệ Về Đạo Làm Quan
“Quan trường”, “Hoan lộ” vốn từ xưa đã để lại không biết bao câu chuyện, tình huống mà kẻ trong cuộc chỉ còn biết thốt lên nỗi chua xót và sự bất lực của con người khi bước vào con đường công danh, sự nghiệp.
Minh Tư Tông Chu Do Kiếm, vị hoàng đế nhà Minh, vì sao lại hối hận vì được làm đế vương? Chốn quan trường không khác mấy với chốn giang hồ. Không phải chỉ có quyền uy, nhung lụa, vinh hoa phú quý mà còn chứa đựng những dâu bể và biết bao điều bất như ý mà người đứng ngoài không hiểu nổi. Như vậy, có chăng một đạo làm quan trong chốn quan trường hay nói cách khác là nên lập thân xử sự như thế nào khi bước vào hoan lộ?
Học giả Lã Bản Trung thời Nam Tống và Uông Huy Tổ một viên quan có tiếng thời nhà Thanh đã tập hợp những tinh hoa tư tưởng của hai người để trình bày một cách hệ thống triết lý về làm quan và xử sự trong một cuốn sách được đặt tên chung là “Trí tuệ về đạo làm quan”.
Nội dung sách Trí tuệ về đạo làm quan nhấn mạnh rằng việc dạy người làm quan xử sự vuông tròn không có nghĩa là xu nịnh, bị động, mà là biết lợi hại, biết tiến thoái, linh động và uyển chuyển để khi cần cương nhu đúng lúc nhằm đạt mục đích cuối cùng là giải quyết công việc tốt đẹp, mang lại lợi ích cho dân chúng.