Rất nhiều thông điệp ủng hộ nữ quyền hiện nay đang đi vào lối mòn và sáo rỗng. Thay vì khuyến khích phụ nữ dựa vào các thế mạnh cá nhân và trân trọng giá trị mà họ mang lại, phụ nữ lại luôn bị nói là cần phải hành xử giống cánh đàn ông hơn. Tất nhiên, không một ai nói hẳn ra như thế. Đây là thế giới doanh nghiệp. Thay vào đó, họ gọi nó là “những hành vi mang lại thành công”, mà thực chất nó có nghĩa là “những hành vi nam tính”. Liệu có còn điều gì hạn chế sự phát triển của phụ nữ hơn việc ẩn ý rằng đàn ông mới là chuẩn mực và họ đang làm những điều “đúng đắn” hay không?
Với những nghiên cứu chuyên sâu và kinh nghiệm cá nhân, Marissa Orr, thông qua Vươn mình đã chỉ ra cách thức hiệu quả nhất để mang đến sự cân bằng giữa việc thể hiện quyền hành và sự chân thành, truyền tải tầm ảnh hưởng và tăng tính hiệu quả trong việc lãnh đạo chính là khả năng lắng nghe, thấu hiểu, và trí tuệ cảm xúc. Đó là những đặc điểm thường gắn liền với phụ nữ. Những đặc tính này, mặc dù thật sự có giá trị trong thế giới thực, nhưng lại không đem đến hiệu quả tương tự đối với bản chất quyền lực độc đáo bên trong một tập đoàn lớn. Sự phân tầng trong doanh nghiệp chứa đựng một hệ thống luật lệ ngầm cụ thể dành cho việc chiến thắng. Một trong những điều to lớn nhất đó là: giả vờ biết hết mọi thứ sẽ giúp bạn đi xa hơn việc thực sự biết bất cứ điều gì.
Những buổi hội thảo cô tham gia ở Google đã truyền cảm hứng cho cô viết nên suy nghĩ của riêng mình về quan điểm lãnh đạo dành cho phụ nữ tại công ty. Trong cuốn sách này, cô đã cố gắng để truyền tải hai điều: Đầu tiên đó là lời giải đáp cho những phụ nữ muốn gặt hái thành công bằng cách làm mọi việc để trở nên giống nam giới hơn, mà điều này lại mang hàm ý rằng phụ nữ thấp kém hơn. Đây không chỉ là sự xúc phạm mà còn vô cùng sai lầm nữa. Thứ hai, cô cho rằng sự phân biệt về giới tính không phải do phụ nữ không làm đúng bổn phận của mình – điều mà hầu hết mọi người có vẻ đang ám chỉ – mà chính bởi hệ thống tổ chức đang bị rối loạn chức năng và bảo thủ nặng nề này.
Một hệ thống phân cấp bậc đầy cạnh tranh chỉ đơn giản là một cấu trúc, được xây dựng nên bởi những người đàn ông trong thời đại công nghiệp, để tổ chức cũng như khuyến khích những người đàn ông khác, bởi hiếm có phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động thời điểm đó. Tất nhiên, ngày nay, nền kinh tế đã khác rất nhiều, các sản phẩm đầu ra đa phần được sản xuất dưới dạng trí tuệ, tư duy phê phán, sự sáng tạo, và trí tưởng tượng – những thứ mà bạn không thể nhìn thấy, khiến việc phân loại xem ai đang làm tốt công việc của mình trở nên khó khăn hơn. Trong sự mơ hồ này, cùng việc thiếu các cách thức khách quan để đong đếm sản phẩm đầu ra, não bộ của chúng ta mặc định tuân theo điều dễ dàng quan sát nhất – ví dụ như tính quyết đoán, khả năng tự bổ nhiệm bản thân, và sự tự tin – sử dụng những yếu tố này để quyết định xem ai là người chiến thắng. Những yếu tố căn cứ này có thể đúng với nam giới hơn là nữ giới, nhưng chúng không có liên quan gì đến năng lực cả.
Chúng ta đang ở “điểm uốn” vô cùng sắc bén. Hệ thống tổ chức cho công nhân viên, đánh giá hiệu suất làm việc, và thúc đẩy con người của chúng ta được xây dựng bởi cánh đàn ông, đến từ cách nhìn nhận thế giới của nam giới, với mục đích khiến cho các nhân viên nam của họ trở nên năng suất hơn. Những hệ thống này được xây dựng để phục vụ một nền kinh tế đã lụi tàn. Trong khi toàn bộ thế giới, toàn bộ mạng lưới nền kinh tế của chúng ta, và các thành phần cấu tạo nên lực lượng lao động đã thay đổi từ lâu, nhưng hệ thống tổ chức của chúng ta thì vẫn duy trì gần như y hệt. Sự rối loạn chức năng cũng bóp nghẹt tính sáng tạo và đổi mới, đồng thời làm giảm sự phát triển toàn diện trong lực lượng lao động của đất nước.
Để làm hẹp sự phân biệt về giới tính thì điều gì hợp lý hơn: kết cấu lại tính cách của phụ nữ hay kết cấu lại hệ thống để đáp ứng đúng nhu cầu hơn?
Các vấn đề chỉ được giải quyết khi nguyên nhân gốc rễ được hiểu rõ ràng. Vì thế, việc xem xét và kiểm tra sự hiểu biết của chúng ta đối với lý do tồn tại sự phân biệt giới tính là vô cùng cần thiết. Nhưng chúng ta đa phần lại nhảy cóc thẳng đến các biện pháp mà không có sự xem xét kỹ lưỡng đến việc tại sao vấn đề lại tồn tại ngay từ ban đầu. Chúng ta đã chấp nhận những lý do được cung cấp và sợ hãi không dám hỏi tại sao hay đưa ra các ý kiến khác biệt. Nhưng nếu không làm sáng tỏ những điều mà chúng ta đang đi sai lệch thì sẽ không có hy vọng nào để làm đúng hay tạo ra được bước tiến thực sự.
Vươn mình không có nghĩa là bỏ việc hay chạy trốn. Vươn mình là vượt ra khỏi bất kỳ khuôn mẫu nào về sự thành công hay con người mà bạn nên trở thành. Vươn mình thoát ra khỏi những định kiến xã hội, để nhận thức rằng các doanh nghiệp ngày nay không được thiết kế để thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người. Hệ thống đó cần phải được tiến hóa, cần phải xóa bỏ tư tưởng lấy nam giới làm tiêu chuẩn và nếu phụ nữ muốn vươn lên vị trí lãnh đạo thì phải hành xử nam tính hơn. Nhưng mọi vật không thể thay đổi chỉ sau một đêm, trong lúc đó, chính chúng ta cần phải nhận ra những hạn chế của hệ thống ở nơi chúng ta làm việc, và hiểu rằng nó không thể lúc nào cũng đáp ứng được những nhu cầu sâu xa nhất của con người và công nhận được chiều sâu những cống hiến của chúng ta. Vì vậy, Vươn mình chính là câu trả lời chân thực và sâu sắc nhất cho những thắc mắc xoay quanh chủ nghĩa nữ quyền, là con đường cách mạng giúp thay đổi cuộc sống của phụ nữ trong môi trường làm việc.