Cảm ơn các bạn đã quan tâm và dành thời gian cho cuốn sách của tôi.
Tôi ngồi viết lời bạt cho cuốn sách này ngay khi vừa trở về từ chuyến đi ba ngày tới Thanh Hóa để trao tặng sách và giao lưu với học sinh, giáo viên một số ngôi trường, trong đó có trường THCS Bát Mọt (huyện Thường Xuân), một ngôi trường nằm ở xã biên giới giáp với Lào.
Chuyến đi gấp gáp, thời gian di chuyển nhiều lại rơi vào đúng thời điểm nắng nóng kéo dài nên các thành viên của chuyến đi đều mỏi mệt, riêng tôi khi trở về Hà Nội đã bị sốt suốt hai ngày.
Tuy nhiên, về mặt tinh thần, tôi thấy vui vẻ và nhẹ nhõm. Trong chuyến đi lần này, tôi mang sách vào tặng cho học sinh xã Bát Mọt. Số sách này sẽ được đưa vào thư viện trường THCS Bát Mọt để người dân, giáo viên, học sinh hai trường tiểu học và THCS cùng sử dụng. Tổng giá trị của số sách và vật tư cung cấp cho thư viện là 51 triệu đồng. Đây là số tiền mà tôi đã kêu gọi và quyên góp được từ anh em, bạn bè, bạn đọc xa gần trên cả nước.
Những chuyến đi “khuyến đọc” như thế đã giúp tôi hiểu, trải nghiệm và suy ngẫm thêm rất nhiều điều. Nó giúp tôi củng cố niềm tin của mình về con đường mà mình đã lựa chọn.
Kể từ khi quyết định sẽ trở thành “người bán sách rong”, tôi hầu như không từ chối bất cứ việc gì, bất cứ cơ hội nào nếu như nó có thể đem lại cho tôi cơ hội để nói cho người khác nghe về vai trò, ý nghĩa của văn hóa đọc cũng như giới thiệu với họ những cuốn sách hay.
Cho dù nhìn lại lịch sử đầy nhọc nhằn đã qua hay nhìn về tương lai, chúng ta sẽ đều thấy năng lực đọc của từng cá nhân và văn hóa đọc của dân tộc có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển hay tụt hậu của quốc gia.
Sau khi chinh phục được “nan đề mấy ngàn năm” là nạn mù chữ, nước Việt Nam chúng ta lại đang đứng trước một vấn đề mới, tế nhị hơn, phức tạp hơn và nguy hiểm hơn nhiều: “mù đọc”.
Biết chữ mà không đọc sách là một nghịch lý đang tồn tại trong thực tế. Nghịch lý ấy đang trở thành hòn đá cản đường tiến bộ của dân tộc. Muốn loại bỏ lực cản đó, ngoài chính sách vĩ mô và sự thay đổi từ nhà nước, sự giác ngộ và hành động tích cực của từng người dân vô cùng quan trọng. Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm đối với khuyến đọc và bất cứ ai cũng có thể tham gia phong trào khuyến đọc. Công việc đơn giản nhất mà lại rất hiệu quả là các cá nhân nỗ lực xây dựng cho bản thân mình thói quen đọc sách, xây dựng tủ sách cho chính gia đình mình. Khi có thói quen đọc sách, cha mẹ có thể dễ dàng đọc sách cùng con, thầy cô cũng có thể thường xuyên hướng dẫn học sinh đọc sách. Và cứ thế, số lượng những người yêu văn hóa đọc, có thói quen đọc sách sẽ nối dài vô tận. Những người tích cực hơn nữa nên tham gia vào các phong trào khuyến đọc ở địa phương như lập các tủ sách dòng họ, tủ sách lớp học, thư viện tư nhân, câu lạc bộ đọc sách…
Có lẽ khi bắt đầu, những người suy nghĩ và hành động tích cực sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thiệt thòi. Tuy nhiên, khi nhiều người suy nghĩ và hành động tích cực như vậy sẽ tạo ra tác dụng cộng hưởng lớn làm xã hội thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp.
Chúng ta, bằng mọi cách, cần tạo ra môi trường thuận lợi để người Việt có thể đọc sách ngay từ khi chào đời, đọc một cách có hệ thống và phong phú. Song song với việc đó, chúng ta cần hợp tác và hành động sáng tạo để xây dựng nên không gian rộng mở để người đọc được nói, viết, thảo luận, tranh luận, diễn thuyết về các cuốn sách đã đọc. Các không gian đó có thể là không gian “thực” như câu lạc bộ, thư viện gia đình, thư viện ở các khu dân cư, trường học, công sở hoặc là “không gian ảo” trên mạng xã hội, các trang web, blog, diễn đàn… Lý tưởng nhất là kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả cả hai không gian “thực” và “ảo” để phát huy tối đa ưu điểm của chúng.
Bằng cách làm như thế, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội học tập đúng nghĩa và lành mạnh.
Văn hóa đọc ở hàm nghĩa rộng còn bao gồm cả xuất bản. Tôi hy vọng rằng các nhà xuất bản và nhà sách sẽ tham gia ngày càng tích cực vào việc khuyến đọc. Đứng ở góc độ kinh doanh, có thể coi “khuyến đọc” là công việc “quảng bá tiếp thị sản phẩm” nhưng ở góc độ xã hội đó là một cống hiến lớn. Nếu các nhà xuất bản và nhà sách ở Việt Nam tham gia tích cực, lành mạnh, kết quả của phong trào khuyến đọc sẽ rất lớn.
Nhìn vào lịch sử phát triển của các nước văn minh ta sẽ thấy, song hành với sự giàu mạnh, tiến bộ của quốc gia luôn có sự tồn tại và lớn lên không ngừng của các công ty, tập đoàn xuất bản lớn.
Một đất nước mà hầu như tất cả mọi người dân, từ những người đứng đầu chính phủ tới trẻ em đều mê sách và có thói quen đọc sách sẽ là một đất nước văn minh và lãng mạn. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng trong một đất nước như thế, cả người giàu và người nghèo, cả chính khách và thường dân đều sống cuộc sống thanh bình và hạnh phúc.
Đối với tôi, hình ảnh quốc gia như thế là hình ảnh mơ ước và đầy sức sống.
Tôi sẽ không ngừng theo đuổi giấc mơ lãng mạn đó theo cách của mình cho dù nó là “con đường gian nan vạn dặm”.
Trên những chặng đầu tiên của “con đường gian nan vạn dặm” ấy, tôi đã trải nghiệm biết bao vui buồn. Tôi cũng gặp được biết bao con người thú vị và đáng mến. Tôi vô cùng trân trọng và biết ơn những trải nghiệm và con người ấy.
Bằng cuốn sách này, tôi hy vọng được chia sẻ ít nhiều với bạn đọc xa gần về giấc mơ lãng mạn của mình.
Biết đâu, nhờ tình yêu với sách, chúng ta, cho dù đi bằng nhiều con đường khác nhau, một ngày tình cờ sẽ lại gặp nhau ở một ngã tư đường nào đó.
Hà Nội, ngày 20/5/2019
Nguyễn Quốc Vương