"Trước đây, những người quan tâm nghiên cứu về giai đoạn nội chiến, thay chủ đổi ngôi cuối thế kỷ XVIII ở nước ta bị hạn chế vào tài liệu triều Nguyễn. Những ai muốn đi xa hơn thường phải sử dụng ngoại sử, đôi khi tự tưởng tượng ra một số chi tiết cho phù hợp với mục tiêu nguyên thủy của mình. Thêm một chút, nhiều tác giả tiểu thuyết hóa và coi đó như một dạng viết thay vào những khoảng trống lịch sử mà họ mong đợi.
Chính vì có một quá trình thêm bớt phức tạp như thế, lịch sử viết về thời kỳ này hư nhiều thực ít, lẫn lộn giả thật vì không ai cất công tìm hiểu xem những chi tiết đó nguồn gốc từ đâu ra, người đi trước viết sao thì người đi sau lập lại không cân nhắc. Trình tự quan trọng nhất khi tìm kiếm tài liệu là loại bỏ những tài liệu thứ cấp chưa đáng tin, nhất là những tài liệu có nguồn gốc thiếu minh bạch, cũng không ai làm. Ngay cả nhiều tác giả được đào tạo rất chính quy nhưng vì không có tài liệu nên cũng phải sử dụng ngoại sử và chọn lựa những chi tiết nào phù hợp với sở hiếu của mình để dùng trong các nghiên cứu."
Nguyễn Duy Chính
Những phần chính trong cuốn sách Đi Tìm Chân Dung Vua Quang Trung
- Mười bài thơ của Tôn Sĩ Nghị khi đem quân sang nước ta (kèm ảnh minh họa và phụ bản chữ Hán)
- Trận Kỷ Dậu từ tài liệu gốc của nhà Thanh (kèm phụ bản chữ Hán)
- Quang Trung thật, Quang Trung giả: Bàn thêm về phái đoàn Đại Việt sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790) (kèm ảnh minh họa và phụ bản chữ Hán)
- Khảo luận về thuyết Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình sang Trung Hoa cuối đời Càn Long là người giả (kèm ảnh minh họa và phụ bản chữ Hán)
- Giải mã một bức tranh (kèm ảnh minh họa và phụ bản chữ Hán)
- Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung? (kèm ảnh minh họa và nhiều tài liệu liên quan)
- Phúc Khang An và việc khôi phục quan hệ tông phiên Trung Hoa - An Nam cuối đời Càn Long (kèm phụ bản chữ Hán)
- Khai quan thông thị (kèm 2 phụ bản chữ Hán là tấu và triệp của quan lại nhà Thanh về sự kiện này)
- Khảo cứu về việc quốc vương Việt Nam Nguyễn Phúc Ánh sai sứ đến triều cống nhà Thanh (kèm phụ bản chữ Hán)
- Tường thuật của một giáo sĩ Âu châu trong cung nhà Thanh (kèm ảnh minh họa)