Trần Nhật Vy
(Viết nhân lần tái bản thứ nhất)
Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay được xuất bản lần đầu cách đây 5 năm, thời gian đủ để cây ăn trái lâu năm ra trái chiến, với biết bao bể dâu, thay đổi. Đối với chữ quốc ngữ cũng vậy, trong 5 năm ấy đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều phát hiện mới về con người và tài liệu của thuở ban đầu sáng tạo ra chữ quốc ngữ.
Ở Việt Nam, có hai Hội thảo diễn ra ở hai địa phương được ghi nhận là “nơi người Bồ Đào Nha sáng tạo ra chữ quốc ngữ” là Nước Mặn (Bình Định) và Thanh Chiêm (Quảng Nam). Đến nay, giáo sĩ người Bồ Francisco de Pina đã được chánh thức thừa nhận là người có công đầu trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ, bảo vật vô giá của người Việt chúng ta, song ông bắt đầu sáng tạo chữ quốc ngữ ra ở nơi nào: Nước Mặn hay Thanh Chiêm? Năm 1617 ông tới trú sở Hội An rồi chuyển qua Thanh Chiêm, sau đó lại sang Nước Mặn cư trú hai năm. Trong quãng thời gian đó, chữ quốc ngữ đã ra đời. Nay, cả hai địa phương đều cho rằng nơi của họ mới là nơi ra đời chữ quốc ngữ! Việc này không phải mới diễn ra song chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm. Tại sao không làm một lần cho mãi mãi? Chính phủ nên tổ chức một cuộc Hội thảo gồm có ba địa phương là Quảng Nam, Bình Định và TP. Hồ Chí Minh, nơi mà chữ quốc ngữ được phổ biến rộng ra công chúng lần đầu tiên, để công bố rằng “cả hai địa phương Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định) đều là địa phương giáo sĩ Pina và những người khác đồng sáng tạo ra chữ quốc ngữ”. Tại sao không?
Gần đây, giữa năm 2018, tại Lisbon, Bồ Đào Nha, người ta đã tổ chức một Hội nghị về chữ quốc ngữ. Điều lạ là rất ít người Việt, những người đang sử dụng và thụ hưởng thứ chữ tuyệt vời này, có mặt, có tiếng nói chánh thức tại Hội nghị. Người có mặt đến từ Việt Nam là một nhà báo chưa có tác phẩm nghiên cứu nào về chữ quốc ngữ là ông Lưu Trọng Văn, có mặt với tư cách “một du khách”! Tại đây, ông tận mắt đọc được những văn bản tiếng Việt ít ỏi đầu tiên do giáo sĩ Pina sáng tạo ra và phải bật thốt lên “Cha tôi nói với tôi rằng: Cha từng nghe nói đến những giáo sĩ phương Tây Bồ Đào Nha và Pháp đã tạo nên chữ quốc ngữ cùng sáu thanh dấu tuyệt vời này. Cha chỉ muốn có dịp được nói lời tri ân với những giáo sĩ ấy. Nhờ họ mà bài Tiếng thu của cha mới đến được người yêu thơ, nhờ họ mà cha thành nhà thơ. Hạnh phúc của cha là được làm đẹp thêm tiếng Việt, chữ Việt qua thơ”. Người cha mà ông Lưu Trọng Văn nói ở đây chính là nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Thưa các bạn, tôi không có cái may mắn được dự Hội thảo ấy, không được tận mắt nhìn những chữ viết đầu tiên ấy, song chỉ qua trang facebook của ông Lưu Trọng Văn, tôi cũng thật sự rúng động! Tôi chưa nhìn thấy cái gì tạo cho tôi sự ngạc nhiên tột độ như vậy. Làm sao không ngạc nhiên khi nhìn thấy những khuôn nhạc được tạo ra để “tìm dấu” cho tiếng Việt? Nhiều người cho rằng “Người Việt có tiếng nói như chim hót” nhưng chưa nghe ai nói “Bản thân tiếng Việt như một khúc nhạc!”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho tôi phải “làm mới” cuốn sách này sau 5 năm ra đời. Mong rằng những điều này sẽ có ích và giúp các bạn hiểu thêm về lịch sử chữ viết của đất nước mình.
Đây là một chuyên khảo viết để đăng báo rồi tập hợp lại. Bởi vậy dù có cố gắng mấy thì dáng dấp những bài báo vẫn còn nguyên đó trong mỗi trang sách.
Mong rằng các bạn đọc và góp ý cho tác giả là điều rất cần thiết.
Sài Gòn tháng 9-2018
TRẦN NHẬT VY