Lần mở những bức ảnh xưa về quê hương, đất nước luôn đem lại cho chúng ta những xúc cảm đặc biệt. Cuốn Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ (Indo-chine Pittoresque Monumentale) của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Marie Alexis Dieulefils (1862-1937) sẽ là một cuốn sách đem đến cho bạn những cảm xúc đặc biệt như vậy.
Từ cuối thế kỷ XIX, một số người Pháp đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa của chúng ta. Họ đã đi, đã chụp rất nhiều ảnh về đời sống, sinh hoạt của người Việt và những bức ảnh ấy, ngày nay đã trở thành nguồn tư liệu quý giá.
Pierre Dieulefils là một trong những nhiếp ảnh gia như thế. Đến Đông Dương năm 1885, ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để chụp ảnh vùng đất này. Năm 1909, Dieulefils xuất bản cuốn sách ảnh Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ (Indochine Pittoresque & Monumentale: Annam-Tonkin), trưng bày nó tại cuộc Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910 và cuốn sách đã được trao huy chương vàng. Sau đó, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận (Cochinchine - Saïgon et ses environs).
Để góp phần đưa những bức ảnh, và cũng là những tư liệu lịch sử quý giá về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đến với bạn đọc, Đông A quyết định tái bản hai tập sách này trong một ấn bản lấy tên chung là Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ (Indo-chine Pittoresque Monumentale).
Thông tin thêm về sách
NHIỀU HÌNH ẢNH QUÝ HIẾM VỀ CẢNH VẬT, CON NGƯỜI TỪ BẮC VÀO NAM HƠN 100 NĂM TRƯỚC: Từ thác Bản Giốc ở vùng biên giới Cao Bằng, đến hồ Hoàn Kiếm một ngày mùa thu. Từ ải Nam Quan đến Nhà thờ Đức Bà, Vũng Tàu, Tây Ninh... Từ phố Hàng Bạc, Paul Bert (Tràng Tiền) đến khu phố Tàu giữa Sài Gòn. Từ cư dân đồng bằng sông Hồng, kép hát, nhà sư, đến thị vệ, quan lại, và cả vua Duy Tân. Từ những cảnh hoang sơ đến đền đài cung điện...
Một cách tự nhiên nhất, những khung hình này cũng chính là một phần của lịch sử.
IN ẤN CHỈN CHU, GIA CÔNG TỈ MỈ: Sách khổ lớn (38 cm x 27,5 cm), được làm bìa cứng, có bìa áo. Dày 292 trang, ruột in bằng công nghệ mực vi sinh trên giấy mỹ thuật chất lượng cao (giấy Ford kem Nhật định lượng 150 gsm, nền vàng nhạt).
Với một cuốn sách khổ siêu lớn như Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ, toàn bộ công việc khâu ruột sách, gắn bìa, không thể thực hiện bằng máy, vì vậy các khâu này được thực hiện bằng sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay con người.
NỖ LỰC CHÚ GIẢI, ĐỐI CHIẾU, XÁC ĐỊNH ĐỊA DANH: phần chú thích ảnh được dịch giả Lưu Đình Tuân chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp, đồng thời tham khảo thêm phần chú chữ Hán - Nôm (đã được lược đi) của ông Claude Maitre, từng là giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội, và các nguồn tài liệu khác. Dịch giả Ngụy Hữu Tâm giúp hiệu đính phần chú thích ảnh tiếng Đức.
(Một số địa danh chưa thể xác định rõ ràng hoặc chưa sát với thực tế, chúng tôi mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc.)