Lãm Thúy Tập
Lấy cốt truyện từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài nhân - một văn sĩ thời Minh ở Trung Quốc nhưng Nguyễn Du đã khéo léo và sâu sắc vận dụng chất liệu văn học dân gian trên tinh thần văn hóa truyền thống Việt Nam, để xây dựng nên Truyện thơ Kim Vân Kiều (còn được gọi là Đoạn trường tân thanh hay Truyện Kiều). Có thể nói, sự kết hợp tinh tế của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã tạo nên một cầu nối dẫn đường cho văn hóa dân tộc hòa nhập với văn hóa nhân loại.
Chính nhờ tính dân tộc thấm đẫm trong từng câu thơ mà Truyện Kiều còn tác động tích cực đến sự ra đời nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt, trong đó có Lẩy Kiều. Lẩy Kiều được biết đến như một thú vui tao nhã, được cả dân gian và giới trí thức xưa yêu thích. Đây là lối sáng tác của người xưa bằng cách tập hợp các câu thơ có sẵn trong Truyện Kiều, sắp xếp lại, hoặc ghép với lời thơ tự sáng tác để biểu đạt ý của mình. Theo thời gian, không gian văn hóa Lẩy Kiều dần bị thu hẹp, các tác phẩm cũng bị mai một.
Hôm nay, với mong muốn được góp một phần công sức vào việc bảo tồn những giá trị tốt đẹp cho hình thái văn chương độc đáo này, và cũng là để tri ân nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, MaiHaBooks kết hợp cùng Nhà xuất bản Thế Giới tái bản cuốn sách Lãm Thúy Tập do Nguyễn Bá Cung biên soạn vào năm 1926. Tác phẩm là tập hợp của đủ mọi thể Nôm lẩy truyện Kim Vân Kiều, gồm bốn phần: Ca - Liên - Thơ - Văn.
“Lãm thúy” mang nghĩa ngắm nhìn cỏ cây xanh tươi, xuất phát từ một ý trong Truyện Kiều: “Cỏ cây có đá sẵn sàng/Có hiên lãm thúy nét vàng chưa phai”, được Phạm Văn Hanh lấy làm cảm hứng cho lời tựa cuốn sách trong bản in lần thứ nhất vào năm Bính Dần: “Lãm thúy nét chưa phai, /Ca ngâm pha đủ mùi,/…
Độc giả sẽ được trải nghiệm đủ mọi tâm tình, cung bậc cảm xúc qua từng vần thơ con chữ, đắm chìm vào thế giới văn chương mà cổ nhân mang lại. Lãm Thúy Tập là một minh chứng tiêu biểu nhất cho sự ảnh hưởng sâu rộng của Truyện thơ Kim Vân Kiều đến nền văn học nước nhà.