Lang Thang Phố Thị 5 - Miền Di Sản
Hội nhập, toàn cầu hóa với lý thuyết xây dựng thành phố, chi phối đến mọi ngóc ngách kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách, biên giới các quốc gia trở nên mềm đi, kiến trúc cũng không ngoại lệ. Thế giới đang xây dựng các thành phố na ná nhau, những lý thuyết phát triển đô thị được nhân rộng, ở Mỹ hay ở Singapore cùng những thành phố đó, ở Nhật, Hàn, Trung, Dubai hay Châu Úc, Châu Phi, những thành phố mới cũng giống nhau về căn bản, quy hoạch vùng, đa trung tâm, lõi, nén, lan tỏa, đối trọng, cao tầng với giao thông ken đặc tàu điện ngầm, xe bus, xe ca, xe máy, cao tốc đan xen... Ăn, ở, làm việc, sinh hoạt gần giống nhau về nhiều phương diện, chỉ còn lại những di sản, làng cổ, làng nghề, chùa chiền, nhà thờ, miếu mạo, lễ hội vẫn còn bản sắc riêng đang được trân trọng, giữ gìn... Chính những di sản vật thể và phi vật thể này đã phân biệt được bản sắc văn hóa vùng miền, những món ăn, thức uống, những trang phục không bị toàn cầu hóa...
Những tiến bộ kỹ thuật khi con người có thể ăn, ở, giải trí, làm việc chỉ trên một smartphone, một laptop; những nhà phát minh, nhà sáng tạo, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, doanh nhân có thể đến một đất nước xa lạ làm việc, ăn, ở hàng tháng, hàng năm; những quan niệm sống ảo, sống thực đang trên cùng một mục đích tìm cho mỗi cá nhân một không gian sống, làm việc hiệu quả và an toàn, thành phố xanh, thành phố đi bộ, thành phố bền vững...
Thành phố biển, đô thị biển, thành phố ven sông như Đà Nẵng, Hội An sẽ ứng xử ra sao trong thời đại toàn cầu hóa? Xây dựng thành phố như thế nào để có được những thành phố biển đáng sống, thu hút khách du lịch? Xây dựng bản sắc văn hóa vùng miền riêng của mình mang đậm dấu ấn? Tạo ra được một thành phố vươn ra biển lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho đất nước? Và cuối cùng là xây dựng một thành phố sinh thái, bền vững, nói không với nhiên liệu hóa thạch, ứng phó hiệu quả dịch bệnh toàn cầu, thay đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời đại hội nhập của thế giới, bao gồm cả virus không biên giới?
Những vấn đề nêu ra ở trên đang dần được hiện thực hoá ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Và vùng đất đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung này đang hứa hẹn sẽ vươn xa hơn ra biển lớn nhưng vẫn giữ nguyên vẹn cho thế hệ mai sau những ngôi làng cổ, làng nghề, chùa chiền, nhà thờ, đình làng, miếu mạo, những bãi biển đẹp, những di sản nổi tiếng thế giới, những lễ hội, món ăn đặc sản vùng miền... Và một lần nữa, tôi xin được làm người hát rong kể lại, vẽ lại những gì mình nghe được và tận mắt nhìn thấy.
Với Miền di sản, Nguyễn Ngọc Dũng thêm một lần nữa chứng tỏ cái duyên rất đượm khi viết du khảo vùng miền. Duyên ấy, có lẽ ít ai có được khi mỗi nơi anh đặt chân đến ở dải đất khá dài phía nam Hải Vân quan, là lúc anh dõi đôi mắt tinh tế theo từng tầng khối kiến trúc xưa, trong mỗi món ăn đậm đà dân dã, hay những câu chuyện nhẩn nha kể lại về mỗi địa danh hoặc lý giải đôi điều về lịch sử của một làng, một thị trấn… Xem đó như là điều tâm huyết anh rút tỉa và phô bày vào sách, với từng điểm nhấn nơi đi chốn đến của một gã lang thang, như anh tự gọi mình.
Với công phu tham khảo 61 bản sách tài liệu có giá trị về văn hóa, lịch sử và lang thang không biết bao ngày, kể cả điền dã đến mọi ngõ ngách đời sống người xứ Quảng, với người dẫn đường, để nghe những câu chuyện kể lan man ở chốn cô thôn, Dũng đã làm cho cuốn du khảo thêm phần sinh động...
Để rồi kết tụ lại trong quyển sách với hơn 380 trang đầy đặn, in rất trang trọng, Nguyễn Ngọc Dũng đã đưa người đọc đến hai thế giới xúc cảm: bằng mắt đọc chữ và cả mắt để nhìn cùng với rung động, bởi những bài viết quyện với những bức vẽ dày công, tâm huyết. Những thắng cảnh, di tích, món ăn truyền thống, di sản của miền đất Đà Nẵng, Quảng Nam đã in hình trong từng trang sách. Rất xứng đáng là một tư liệu du khảo cho những ai muốn khám phá miền đất di sản này…
(Trần Thanh Bình - Theo Báo Thanh Niên)