Lịch sử, địa lý
Bán đảo Ấn Độ thuộc Nam Á gần như hình tam giác. Địa hình Ấn Độ là một phức hợp gồm dãy núi Himalaya, đồng bằng Ấn - Hằng với hai con sông Ấn (Indus), sông Hằng (Ganges) và vùng cao nguyên Deccan. Himalaya là dãy núi hùng vĩ nhất, nóc nhà của thế giới, trùng trùng điệp điệp suốt 2.600 km, trong đó có hơn 40 ngọn cao trên 7.000m. Đây chính là dãy núi như trường thành tự nhiên đã ban tặng cho đất nước này.
Biển rộng, núi cao là những chướng ngại tự nhiên đáng kể làm cho Ấn Độ trở thành một khu vực văn hóa tương đối riêng biệt, ở một chừng mực nào đó tách rời với thế giới bên ngoài. Ngoài những ảnh hưởng trên, núi rừng Himalaya còn có tác động lớn tới tư duy của người dân Ấn Độ. Ngay từ khi họ bắt đầu tư duy và mơ mộng, nhiều ngọn núi cao trong trí tưởng tượng của họ đã trở thành nơi cư ngụ của thần linh. Cũng chính trong những núi rừng Himalaya này, những trường học tu tập đã ra đời, nơi đây các thầy trò Upanishad thảo luận và tư duy về bí mật của nhân sinh, vũ trụ. Qua nhiều thế kỷ, Himalaya cũng là nơi ghi lại nhiều dấu chân của những con người từ bỏ cuộc sống trần tục để kiếm tìm và thực hiện khát vọng giải thoát. Himalaya dường như mãi mãi vẫn giữ sự xa cách, thâm nghiêm, mãi mãi là một miền thần bí siêu thực và khêu gợi tâm linh với người Ấn Độ. Con người càng trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, bí ẩn, điều này khiến cho đời sống tâm linh Ấn Độ trở nên phức tạp, đa dạng vô cùng.
Đối với người Ấn, Himalaya là ngôi đền tự nhiên và những ngôi đền khác cũng đã xây theo hình ảnh của nó. Có thể khẳng định rằng những tư tưởng lớn của Ấn Độ đã nảy nở trong bối cảnh tĩnh mịch của núi rừng.
Ấn tượng về Himalaya có thể nói là rất đậm nét trong tâm thức người Ấn Độ, không chỉ là nơi ẩn thân tu hành của các bậc hiền triết, những tán rừng rậm nhiệt đới này còn dạy cho người Ấn Độ bài học về cuộc sống, về mối tương quan chặt chẽ giữa vũ trụ và con người. Đồng bằng Ấn - Hằng được thiên nhiên ưu đãi ban cho một hệ thống sông ngòi phong phú, có tới 7 dòng sông, có những dòng sông thuộc loại lớn nhất thế giới: Indus (sông Ấn), Ganga (sông Hằng). Từ lòng chảo của hai con sông này đã hình thành đồng bằng Ấn - Hằng vĩ đại, một trong những đồng bằng màu mỡ và rộng lớn nhất thế giới, hình thành cái nôi của một nền văn minh, văn hóa cổ xưa và rực rỡ nhất châu Á.
Ấn Độ gồm hai miền Nam Bắc, lấy dãy núi Vinđya làm ranh giới. Ấn Độ có hai con sông lớn là sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Gange). Sông Ấn chia làm 5 nhánh nên đồng bằng lưu vực sông Ấn được gọi là vùng Pungiap (vùng Năm sông). Tên nước Ấn Độ được gọi theo tên con sông này. Sông Hằng ở phía Đông được coi là dòng sông thiêng. Thời cổ trung đại, Ấn Độ bao gồm cả các nước Pakixtan, Bănglađet và Nêpan ngày nay...
(Trích "Vài nét về đất nước Ấn Độ")