Hai Người Điên Giữa Kinh Thành Hà Nội
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội, mang nhiều dấu ấn của tự truyện, một tự truyện đắt khách khi chao chát về tình yêu và lẽ sống. Tác phẩm không đặc sắc về văn phong, không chú tâm vào câu chuyện được kể, mà chủ yếu bộc lộ thái độ của nhân vật chính: hai người bạn thân là Điệp và Tuấn. Cùng chung trải nghiệm chua chát trên trường tình, họ đâm ra căm ghét phụ nữ. Cả tác phẩm là tiếng cười khóc về tình yêu - ghét ấy.
Văn chương lãng mạn gieo vào lòng người ta cái ham muốn có được một thứ ái tình hoàn toàn, trong trẻo, thanh khiết, không tì vết. Khi có được ái tình như thế, người ta không chỉ có cảm hứng để sáng tạo, mà còn có thể sống tốt lên. “Nếu không có một buổi sáng Chủ nhật đẹp giời, Tuấn và Điệp ngẫu nhiên vớ được một linh hồn để tìm ra lẽ sống, để không đi với trụy lạc nữa thì thật là oan uổng cho hai cuộc đời. Từ ngày được tấm linh hồn ấy, hai chàng không nghĩ đến chơi bời nhảm nhí nữa. Hai chàng đã sống rất hiền lành chăm chỉ để mà yêu.”
Trích đoạn
"… Còn gì đáng khóc cho bằng ở giữa kinh thành Hà Nội hoa lệ này, con gái đẹp nhiều như rươi, mà có hai thằng thi sĩ phải đi yêu một cái mả lạnh!..."
“Hai đứa chúng tôi sống âm thầm như hai chiếc bóng trên căn gác nhỏ phố Hàng Dầu. Chung quanh tường không được hân hạnh treo một tấm ảnh đàn bà, cầu thang gác không được hân hạnh in một dấu giầy đàn bà. Cũng như trong lòng hai đứa chúng tôi, không được hân hạnh mơ tưởng một người đàn bà nào nữa. Bởi chưng chúng tôi đều ghê sợ đàn bà, ghê sợ yêu đương.
Thật là vô phúc cho kẻ nào lại ghê sợ đàn bà! Như chúng tôi chẳng hạn…
Chúng tôi chính là những người tha thiết muốn yêu bậc nhất, song chúng tôi muốn tìm ở người đàn bà, một tình yêu cao khiết, một tình yêu hoàn toàn. Chúng tôi không thể chịu được thứ tình yêu cẩu thả, thứ tình yêu hồi hộ , thứ tình yêu chốc lát, thứ tình yêu thấp hèn của tụi con gái bây giờ.
Họ không hiểu nổi chữ "YÊU" nên họ đã làm bẩn đục tình yêu…"