“Luân thường đổ nát, phong hóa suy đồi”, hai câu đó có phải là cái hiện tượng của xã hội ngày nay hay không? Câu hỏi ấy, chắc người trong xã hội ta không ai nỡ nói rằng phải, mà cũng không ai dám nói quyết ngay rằng không.
Không ai nỡ nói rằng phải, thì có khi là quá phải; mà không ai dám nói quyết rằng không, thì có khi chưa chắc là thật không…
Trông cái hiện tượng ấy thì người trong xã hội ta ngày nay, phàm có tâm huyết, ai là không có cái tư tưởng tôn trọng luân thường, duy trì phong hóa.
Cổ nhân có câu rằng: “Dù không được làm thì cũng nên nói”, sự nói tuy không được kiên hiệu bổ ích bằng sự làm, song biết đường mà nói cũng có thể cảm hóa được nhân tâm phong tục nhiều lắm."
Lời phi lộ trên được lương y Nguyên Tử Siêu viết trong cuốn tiểu thuyết Đỉnh núi cành mai – một tác phẩm thể hiện mong muốn được góp một phần vị thuốc cảm hóa “nhân tâm phong tục” trong buổi giao thời của ông. Tác phẩm như một bức tranh thủy mặc Cành mai trên đỉnh núi, tô điểm thêm vẻ trang nhã lay động lòng người cho nền văn chương quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX.