“Trại Bồ Tùng Linh” là một tiểu thuyết cho thấy sự tiếp nối tuyệt vời với Vàng và máu, tác phẩm đã làm sống lại hồn cốt truyền kỳ xưa cũ trong hình hài của lối văn hiện đại. Câu chuyện tình mang màu sắc Liêu Trai giữa nhà văn Tuấn và giai nhân Hoàng Lan Hương vừa gợi lại một phong tình giữa văn nhân và hồ ly, tinh mộc, hồn hoa trong các truyện truyền kỳ thời trung đại vừa có những sáng tạo độc đáo phân tích lý tính, vốn là những điểm đặc trưng trong truyện trinh thám hiện đại.
Cùng với tập thơ Mấy vần thơ (tập mới) (6/1941), tập truyện Gió trăng ngàn (9/1941), tiểu thuyết “Trại Bồ Tùng Linh” hiện diện vừa như một tổng kết hoạt động văn chương của Thế Lữ vừa như một lời tạ từ mà ông gửi tới công chúng và những người bạn văn thân thiết để dành trọn tâm sức cho kịch nghệ.
Thông tin tác giả
Sinh (10 tháng 6 năm 1907 – 3 tháng 6 năm 1989), tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ (sau đó đổi thành Nguyễn Thứ Lễ) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch người Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò là một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
Các tác phẩm chính:
- Vàng và máu (truyện, 1934)
- Mấy vần thơ (thơ, 1935)
- Bên đường Thiên Lôi (truyện, 1936)
- Lê Phong phóng viên (truyện, 1937)
- Mai Hương và Lê Phong (truyện, 1937)