Cha mẹ tốt = Yêu thương, thấu hiểu, công bằng, trí tuệ
Cha mẹ tốt = Nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc (EQ) cho trẻ
“Cuốn sách này là tập hợp những bài viết về đề tài gia đình, tâm lý con trẻ ở góc nhìn của một người con có cha mẹ ly hôn, đồng thời cũng là tập hợp những dòng tự sự về nuôi dạy con cái trong vài năm hành trình làm mẹ của tôi. Nó là kết quả của quá trình quan sát, lắng nghe, tự đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh để có phương pháp nuôi dạy con phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, ưu nhược điểm của mỗi đứa trẻ.
Nói cách khác, cuốn sách chính là kết quả của hành trình không ngắn cũng không dài đồng hành cùng con trong chặng đường chập chững những bước chân đầu tiên vào đời. Là sự rút kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân bất hạnh trong quá khứ của cha mẹ mình. Là những đúc kết từ những tình huống thực tế vẫn xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của tôi hoặc là những câu chuyện nuôi dạy con của những ông bố bà mẹ xung quanh tôi mà tôi trực tiếp chứng kiến hoặc được nghe kể lại.
Nuôi dạy con là một công việc không hề dễ dàng. Làm cha mẹ là một nghề khó khăn vô cùng, đòi hỏi mỗi người đều phải tự mình trau dồi, tiếp thu, học hỏi mỗi ngày để nâng cao sự hiểu biết và tầm nhìn. Cha mẹ càng trí tuệ, hiểu biết, con cái càng có cơ hội được tiếp xúc với những phương pháp giáo dục tiên tiến, khoa học. Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ nhận ra phương pháp nuôi dạy con tốt nhất trên đời chính là cha mẹ tự tu dưỡng thân – tâm - trí. Nói không bằng làm, trăm nghe không bằng một thấy. Trẻ học được từ những lời dạy dỗ của cha mẹ một thì học được từ những gì chúng chứng kiến cha mẹ làm mười.
Trẻ con là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Cha mẹ nóng nảy, con hoặc là nhút nhát, hoặc là dễ nổi loạn. Cha mẹ đối xử bất công, con cái mất đoàn kết. Cha mẹ quá nuông chiều, con trở nên lười biếng và ỉ lại. Cha mẹ quá áp đặt, con trở nên thụ động, thiếu chính kiến. Cha mẹ vô trách nhiệm, con cái vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ. Cha mẹ khen ngợi, ca tụng con quá nhiều, con trở nên tự cao, tự đại. Cha mẹ thiếu tình yêu thương, con trở nên cô đơn, chống chếnh giữa cuộc đời…
Làm cha mẹ, ai cũng muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái mình, muốn con mình sau này được công thành, danh toại, gia đình hạnh phúc, trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng ít người trong số đó có thể hiểu được trẻ có thể trở thành những người như cha mẹ mong ước hay không lại do môi trường giáo dục tạo thành. Đất không tốt, cây cối sao có thể thuận lợi sinh trưởng, đơm hoa kết trái. Ngọc không mài sao có thể sáng trong.
Tôi thực lòng mong rằng, cuốn sách này có thể giúp ích cho các ông bố bà mẹ trong hành trình nuôi dạy con của mình. Tại cuốn sách này, bạn có thể tìm thấy chính những tình huống mà bản thân gặp phải trong quá trình nuôi dạy con cái. Và cách giải quyết mà tôi đưa ra ở mỗi tình huống cụ thể, những đoạn đối thoại giữa tôi và hai con, có thể sẽ là một phương án không tồi để các bố mẹ tham khảo, từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn cho hoàn cảnh nuôi dạy con của gia đình mình.
Hơn tất cả, tôi vẫn luôn cổ vũ cho việc các ông bố bà mẹ nên chú trọng hoàn thiện, học hỏi, phát triển bản thân song song với việc nuôi dạy con cái để những phương pháp nuôi dạy con của họ không bị quá lỗi thời so với thời cuộc, cũng là để họ có thể hiểu sâu sắc hơn về bản chất của những sự vật, hiện tượng, sự phát triển tâm sinh lý của con cái mình trong giai đoạn từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Thấu hiểu con có ý nghĩa quyết định trong việc đưa ra những phương pháp phù hợp và hiệu quả”.
Con người có một khả năng đặc biệt. Ngoài giao tiếp bằng lời nói, chúng ta còn có thể cảm nhận được tình cảm, thái độ của người khác thông qua trực giác. Bạn yêu con hay không yêu con? Yêu con nhiều hay ít? Vì con hay vì bản thân mình? Xuất phát từ tình yêu hay xuất phát từ tâm tham? Theo bạn, đứa trẻ có thể cảm nhận được hay không?
Có! Chúng đều cảm nhận được cả.
Cha mẹ bảo thủ, ích kỷ, thật khó để có được người con rộng lượng.
Cha mẹ nóng nảy, cục cằn thật khó để có được người con từ tốn.
Cha mẹ nhẫn tâm, tàn ác sao tránh khỏi con cái bất hiếu.
Trẻ con khi sinh ra vốn chẳng có khái niệm giàu nghèo. Thế nên chúng chẳng thể vì nghèo mà buồn, vì giàu mà vui... Chẳng có đứa trẻ nào chê cha mẹ nghèo cả. Chỉ có những người lớn mang trái tim trống rỗng do nghèo tình yêu thương và sự dạy dỗ của cha mẹ thôi.
Trong cuộc đời mình, ai cũng muốn được sinh ra trong hoàn cảnh gia đình giàu cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng không phải ai cũng có thể may mắn như thế.
Nếu không may sinh con ra trong hoàn cảnh nghèo túng thì ít nhất hãy để con là một tỷ phú tình yêu thương của cha mẹ. Nghèo cả vật chất và nghèo cả tình thương, đứa trẻ đó, thực sự tội nghiệp lắm. Trao cho con tình yêu, dành thời gian nuôi dạy con nên người cũng chính là bạn đang sống vì mình đó. Chỉ có điều, thành quả đầu tiên của quá trình ấy cần phải rất lâu mới có thể nhìn thấy, rồi lại rất lâu nữa mới cho ra quả ngọt.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm đầu sách viết về đề tài “làm cha mẹ”. Nhưng lại không có mấy cuốn dạy ai đó cách “làm con”. Bởi vì, chỉ cần bạn có thể trở thành những ông bố bà mẹ tốt, bạn sẽ có những đứa con tốt. Và điều ba mẹ cần làm là:
- Bồi đắp lòng hiếu thảo cho con cái
- Bồi đắp cho trẻ tự lập qua việc làm việc nhà và tự phục vụ bản thân
- Tự chịu trách nhiệm
- Tạo nền tảng cho con sống có đam mê, mục đích
Bi kịch của những đứa trẻ dù đã lớn những vẫn bàng hoàng không hiểu mình thực sự muốn gì, mình mạnh ở đâu, yếu ở đâu, nghề nghiệp nào phù hợp với mình, mục đích lớn nhất cuộc đời là gì…chính là bởi chúng đã dành cả thời học sinh của mình để học cho vừa lòng cha mẹ. Bởi vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên khuyến khích để con có cơ hội được bộc lộ những năng khiếu, sở thích của bản thân, bồi đắp những thói quen tốt, củng cố, phát triển thêm những lĩnh vực sở trường. Lắng nghe, hoan nghênh những ý tưởng sáng tạo hay những kế hoạch nhỏ của con, tạo điều kiện để con thường xuyên được tự quyết những vấn đề cá nhân. Cha mẹ chỉ nên là người cố vấn không nên quyết định thay cho con cái.
Không phải bà mẹ nào cũng biết rằng: điều chỉnh chính bản thân mình mới chính là cái gốc của mọi phương pháp giáo dục con cái. 14 điều kiện cần và đủ mình kể trên nói dài thì rất dài nhưng thực ra chưa thể truyền tải hết được những việc phải làm, những khó khăn, thử thách trong quá trình nuôi dạy con của các bậc cha mẹ.
- Là một người mẹ trí tuệ, hiểu biết sẽ hiểu được mình cần làm gì, nên làm gì và không nên làm gì cho con.
- Là một người mẹ nghiêm khắc sẽ rèn cho con tính kỷ luật.
- Là một người bạn hòa đồng, hài hước sẽ khiến con luôn vui vẻ, không cô đơn, thoải mái chia sẻ, tâm sự.
- Là một thần tượng sẽ cho con mục tiêu để hướng đến vì chúng sẽ luôn cố gắng để được giống thần tượng của mình.
- Đồng hành cùng con, giúp con giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ các tình huống khó khăn phát sinh sẽ giúp con mở rộng vốn hiểu biết, trau dồi thêm kỹ năng giải quyết vấn đề. Học được cách tư duy của cha mẹ.
- Giữ lời hứa với con sẽ có được niềm tin tưởng của con.
- Ngay lập tức điều chỉnh những tư duy lệch lạc của con, giải quyết vấn đề triệt để sẽ giúp con có sự nhìn nhận rõ ràng về những điều đúng hoặc chưa đúng, phù hợp hay chưa phù hợp.
- Tôn trọng con, chính là gián tiếp dạy con cách tôn trọng người khác.
- Mắng con, không phải là chê bai, chì chiết mà nên là một cách thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm. Mắng con đúng cách sẽ giúp con nhìn nhận ra những điều sai trái và mong muốn được sửa chữa.
- Lùi về sau để con được có cơ hội phát huy năng lực của bản thân.
- Khen ngợi có chừng mực để con có động lực phấn đấu.
- Đừng ngần ngại thể hiện tình yêu dành cho con để tuổi thơ của con luôn cảm thấy ấm áp, đủ đầy, trọn vẹn trong tình yêu thương của bố mẹ.
Cuối cùng, chúng ta sẽ hiểu được điều gì? Là con ngoan hay không thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách nuôi dạy của cha mẹ. Cách cha mẹ làm gì để dần hoàn thiện bản thân mình. Làm gì để xây dựng “uy tín thương hiệu cá nhân” trong mắt con.
Đối tượng độc giả: Các bậc phụ huynh - những người đã, đang và sẽ làm cha mẹ, độ tuổi khoảng từ 25 – 45. Hoặc là những người con muốn tìm được sự đồng cảm trong tâm hồn vì tuổi thơ thiếu thốn tình cảm cha mẹ.