Cuốn sách “Hoạ Sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di Sản Đặc Biệt Của Mỹ Thuật Đông Dương” là trọn tâm huyết mà họa sỹ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha mình, cũng như giữ gìn một di sản của mỹ thuật Đông Dương.
Thông qua cuốn sách, tác giả khắc họa hình ảnh một người con Việt Nam được đào tạo bởi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ 20. Theo dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh chính trị, văn hóa-xã hội, tác giả đã khắc họa được không chỉ khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của cụ Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi, mà còn nêu bật những đóng góp của cụ cho quê hương trong không chỉ chiến tranh mà cả giai đoạn xã hội đổi mới, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.
Ngay việc khắc họa những bộ bàn ghế để sản sinh ra sản phẩm đã xứng đáng ghi danh ông là người có tài. Tên tuổi ông Trịnh Hữu Ngọc, chủ xưởng mộc Mémo chuyên sản xuất bàn ghế kiểu mới mà mọi người đều biết đến. Riêng tôi tâng bốc ông lên làm vua - Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm.
Được đào tạo về hội họa ở Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác, và gặt hái được những thành công cùng sự công nhận với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa Xuân, báo Tri Tân... Bạn đọc sẽ thấy rằng sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân Việt bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt.
Sự nghiệp của cụ đặc biệt được dẫn dắt bởi tư tưởng Chân - Thiện - Mỹ xuyên suốt, mà tiêu biểu là cách thực hành Thiền Họa “mắt nhìn tay vẽ”, được thể hiện rất rõ qua kho tư liệu các tác phẩm trong cuốn sách này. Độc giả sẽ được chiêm nghiệm không chỉ cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc theo cách nhìn Hiện thực thiên về Ấn tượng Tình cảm, mà còn có cơ hội đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những thầy cô mà cụ Ngọc kính trọng là Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé. Để từ đó hiểu được vì sao Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc xứng đáng là Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương.
Lòng chung thủy với cái Đẹp, cái Thật và cái Thiện của hội họa, đã nuôi dưỡng và chỉ lối cho ông qua mọi thăng trầm của cuộc đời, cuối cùng đã đưa ông về “Nhà”, về với niềm an ủi chỉ có được trong nhà của chính mình.