Bạn luôn nghe thấy mọi người nói rằng: căng thẳng gây ra bệnh tim; căng thẳng gây mất ngủ; căng thẳng gây hại cho bạn! Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc thay đổi cách bạn nghĩ về căng thẳng có thể giúp bạn hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và đạt được mục tiêu của mình tốt hơn? Dựa trên những nghiên cứu mới về khả năng phục hồi và tư duy, Tiến sĩ Kelly McGonigal chứng minh rằng căng thẳng không có hại cho bạn; việc gặp phải căng thẳng và tin rằng căng thẳng có hại cho bạn mới thực sự có hại. Trên thực tế, căng thẳng có nhiều lợi ích, từ việc mang lại sự tập trung và năng lượng cao hơn đến việc củng cố các mối quan hệ cá nhân của chúng ta. McGonigal chỉ cho độc giả cách nuôi dưỡng tư duy đón nhận căng thẳng và kích hoạt khả năng tự nhiên của bộ não để học hỏi từ những trải nghiệm đầy thử thách. Vừa thiết thực vừa có tác dụng thay đổi cuộc sống, Một cuốn sách về căng thẳng tích cực không phải là một hướng dẫn để loại bỏ căng thẳng, mà là một bộ công cụ giúp bạn trở nên tốt hơn – bằng cách hiểu, đón nhận và tận dụng nó để mang lại lợi ích cho mình.
Mục lục sách "Một Cuốn Sách Về Căng Thẳng Tích Cực"
- Phần 1: Suy nghĩ lại về căng thẳng
- Chương 1: Làm thế nào để bạn thay đổi quan niệm về căng thẳng
- Chương 2: Không chỉ có cơ chế chiến hay chạy
- Chương 3: Một cuộc đời ý nghĩa là một cuộc đời căng thẳng
- Phần 2: Chuyển hóa căng thẳng
- Chương 4: Nhập cuộc – Lo lắng giúp bạn vươn lên trước thách thức
- Chương 5: Kết nối – Sự quan tâm tạo ra sức bật
- Chương 6: Trưởng thành: Áp lực tạo kim cương – nghịch cảnh giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn
- Chương 7: Những suy niệm cuối
Trích đoạn sách "Một Cuốn Sách Về Căng Thẳng Tích Cực"
Khi tôi hỏi Walton về can thiệp ưa thích nhất của mình, ông lập tức kể về can thiệp với nhóm sinh viên năm nhất ở một trường đại học thuộc nhóm Ivy League. Trong nghiên cứu này, Walton đã truyền đi một thông điệp đơn giản: Nếu bạn cảm thấy mình không thuộc về nơi này thì không chỉ mình bạn có cảm giác ấy đâu. Hầu hết mọi người đều cảm thấy lạc lõng như thế trong một môi trường mới. Theo thời gian, tình trạng này sẽ thay đổi.
Walton đã chọn cảm giác thuộc về tập thể làm mục tiêu của mình vì ông biết cảm giác không thuộc về ấy rất phổ biến – ở trường học, nơi làm việc hoặc trong một cộng đồng quan trọng với bạn. Tuy nhiên, rất ít người công khai thừa nhận điều này. Hầu hết mọi người đều nghĩ họ là người duy nhất cảm thấy không thể hòa nhập. (Trang 51)
[...]
Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã nhận thấy thai nhi của những phụ nữ gặp nhiều căng thẳng trong thai kỳ khi sinh ra sẽ có não bộ phát triển trội hơn và sự thay đổi nhịp tim cao hơn, đo sinh học cho thấy có sức bền với căng thẳng hơn. Việc tiếp xúc với hormone căng thẳng của mẹ trong tử cung đã dạy cho hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi cách xử lý căng thẳng. (Trang 77)
[...]
Thậm chí trong những trường hợp đau khổ cùng cực, con người vẫn có khả năng trời cho là tìm kiếm niềm hy vọng, đưa ra lựa chọn và tạo ra ý nghĩa cho chúng. Đó là lý do tại sao trong cuộc sống của chúng ta, những ảnh hưởng phổ biến nhất của căng thẳng lại thường bao gồm cả sức mạnh, sự trưởng thành và bản lĩnh kiên cường. (Trang 79)