Công trình Tang lễ của người An Nam của học giả người Pháp Gustave Dumoutier (1850 – 1904) về tang lễ của người Việt Nam, cũng như nhiều công trình khác do người Việt biên soạn, là những nghiên cứu cơ bản về phong tục tập quán người Việt, thông qua một trong hai tập tục lớn có ảnh hưởng đến cuộc đời con người và dân tộc là hôn nhân và tang lễ.
[...]
Khi Dumoutier vào Việt Nam, thì là lúc triều Nguyễn đang mất dần hết quyền lực vào tay người Pháp, ngai vàng dường như bỏ trống, lý tưởng phong kiến cũng vỡ lở từng mảng, và văn minh Việt Nam cũng đang cố gắng níu kéo những nghi thức cuối cùng để chuyển sang một xã hội hiện đại. Sang đến thế kỷ 20, thì các làng nghề dần phá sản, công nghệ thủ công chỉ còn sót lại ở vài người thợ tham gia vào các trường mỹ nghệ và đấu xảo, nhà Nho truyền thống, thầy địa lý, thầy mo, thầy cúng, thầy tào, pháp sư, phường bát âm cũng dẫn suy thoái, rồi gần như biến mất sau năm 1945, đem theo tất cả kiến thức tâm linh từng được sử dụng trong ba trăm năm, ít nhất từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Nên có thể nói những công trình như cuốn Tang lễ của người An Nam là một tài liệu quý trong việc nhìn lại văn hóa truyền thống.
(Trích lời giới thiệu của Hoạ sĩ - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng)