Happy schools là phần mở rộng đặc biệt của cuốn sách Happy Children (cùng tác giả), qua cuốn sách này, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ và đội ngũ mong muốn mang đến cho các bậc phụ huynh, giáo viên và những nhà hoạch định chính sách giáo dục cùng nghiên cứu về giáo dục những phương án trong khuôn khổ Dự án Trường học Hạnh Phúc, mang đến cho những ai quan tâm đến sự an lạc của trẻ em và thanh thiếu niên một sự động viên, khích lệ thật sự cần thiết trong nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục toàn cầu và cung cấp những hướng dẫn hữu ích, có thể ứng dụng được trong nhà trường.
“Happy schools” của GS Hà Vĩnh Thọ đã phác hoạ những “đường nét” của một trường học hạnh phúc, bắt đầu với những mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường và tâm thế tích cực của người thầy, cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, trang bị những thực hành và kỹ năng giúp giáo viên an lạc, và rồi kiến tạo một môi trường học tập an toàn, thân thiện, ấm áp, nuôi dưỡng sự an lạc, tính kiên cường và trí tò mò ở học sinh.
Cuốn sách giúp giáo viên nhìn thấu suốt những cấu trúc và quy định giáo dục đã chi phối tâm trí ta, và giúp ta khám phá điều cốt lõi của việc cải thiện chất lượng giáo dục, đó là:
- Năng lực lắng nghe và hình dung, khơi mở quan điểm và đồng kiến tạo định nghĩa về thành công cũng như cách chúng ta nhìn nhận nó;
- Khả năng học hỏi và thiết kế, mang lại sự tò mò và tư duy phản biện, coi trọng quyền tự chủ của người học và hướng đến năng lực tư duy cao;
- Định hướng nuôi dưỡng tình thương và sự kết nối, xây dựng các mối quan hệ, nuôi dưỡng cảm thức thuộc về, dung dưỡng văn hóa và tính nhân văn;
- Sự sẵn lòng phản tư và học hỏi, đặt xuống những điều đã biết và học hỏi điều mới ở tất cả các cấp độ trong hệ thống giáo dục.
Với thông điệp từ cuốn sách Happy School – Thầy cô là cha mẹ, trường học là nhà, mong rằng mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày hạnh phúc trọn vẹn đối với các học sinh.
Trích đoạn sách
Câu chuyện số 1: Chuyển dịch điểm nhìn: Niềm vui thay vì cạnh tranh
Giáo dục Việt Nam có văn hóa thi đua mạnh mẽ. Thi đua trong nhiều lĩnh vực như hát, múa, viết thư, vẽ tranh, làm thơ, sáng tạo khoa học, v.v… Ở trường mẫu giáo từng có các cuộc thi xem ai mặc đồng phục nhanh nhất và gọn gàng nhất. Thi đua được sử dụng như một phương pháp để thúc đẩy động lực tham gia, phấn đấu của học sinh. Kết quả là trẻ thường gắn “thành tích”, “cảm giác tự hào”, “chiến thắng”… với niềm vui. Áp lực “thành tích” cũng tác động đến giáo viên bởi thành tích của học sinh trở thành thước đo năng lực giáo dục của thầy cô.
Gần đây, chúng tôi được nghe câu chuyện của cô Nguyệt, một giáo viên lớp 4 thuộc Dự án Trường học Hạnh phúc ở Huế. Từ khi ra mắt chương trình giáo dục quốc gia mới – “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, các trường đã nỗ lực tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm nhiều hơn, với chủ ý dịch chuyển dần khỏi việc học tập thuần lý thuyết. Học kỳ trước đó, trường cô Nguyệt có tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Học sinh được khuyến khích vẽ những điều ước cho thiên nhiên nhằm xây dựng nhận thức về môi trường. Sau khi cuộc thi kết thúc, một nhóm học sinh ào đến chỗ cô và hỏi: “Cô ơi, lớp mình có giải không cô?”. Quan sát biểu hiện của các em, cô hỏi: “Hồi sáng, các con thi vẽ vui không?”. “Dạ vui, cô!”, các em đáp. Cô hỏi tiếp: “Vậy các con đã thể hiện được hết ý tưởng của mình chưa?”.
“Dạ rồi”, học sinh trả lời.
Cô Nguyệt nói: “Vậy là các con đã giành được một phần thưởng lớn rồi đó. Phần thưởng mang tên Niềm Vui”. Các em học sinh nghe vậy liền mỉm cười.
Sau đó, cô Nguyệt đã tường thuật lại sự việc và chia sẻ những suy nghĩ chân thành của bản thân lên trang cá nhân trên mạng xã hội: “Theo tôi, môn học hay trải nghiệm chỉ là một phương tiện để giúp các em phát huy tiềm năng của mình. Thông qua môn học hoặc trải nghiệm, con em chúng ta học cách thể hiện bản thân một cách tự tin, học cách chịu trách nhiệm, học cách hợp tác và cùng nhau đạt được kết quả, học cách hỗ trợ lẫn nhau. Và điều quan trọng nhất là các em học cách tham gia, khám phá với sự nhiệt tình cùng niềm đam mê, và các em tận hưởng niềm vui trong quá trình học tập đó. Đối với tôi, hóa ra đó mới chính là giải thưởng lớn lao nhất.”