Tám vị đại Bồ tát đối với tín chúng mà nói, có người không biết, có người biết không tường tận. Kì thực, trong đại thiên thế giới có rất nhiều rất nhiều cảnh giới tâm ý cao sâu mà mô thức tư duy của phàm phu không thể nào chạm tới được, có thể nói rằng kiến, văn, giác, tri [ Kiến văn giác tri: Thấy nghe hay biết, tiếng gọi chung những tác dụng của tâm thức khi tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài. ]của chúng ta vô cùng vô cùng hữu hạn. Nội dung sách thể hiện thế giới kì diệu của các bậc Bồ tát siêu phàm, xin đừng dùng con mắt xem tiểu thuyết hoặc cái nhìn phàm tục bình thường để nhìn nhận các sự tích trong sách, nếu nhìn bằng góc độ khác, với tín tâm và trí tuệ lí tính để tư duy, quá trình nghiên cứu sẽ rút ra được ý nghĩ thâm diệu vô hạn bên trong.
Trên thực tế, bất luận là vị Bồ tát nào khi còn ở trong giai đoạn nhân địa[ Nhân địa: Một vị Bồ tát khi mới bắt đầu phát tâm tu hành cho tới khi đạt quả vị, trong giai đoạn đó gọi là nhân địa.] hành Bồ tát hạnh, đều có uy đức, nguyện lực, phát tâm đặc biệt của riêng mình, đó là thiện hạnh tích luỹ trong nhiều đời nhiều kiếp. Dù bạn còn khiếm khuyến về điều gì đều có thể được bù đắp bởi lực gia trì của tám vị đại Bồ tát, chỉ cần bạn tràn đầy lòng thành kính và tín tâm, không giải đãi cầu nguyện.
Trích đoạn nội dung sách Sự Tích Tám Vị Đại Bồ Tát
BỒ TÁT VĂN THÙ
Đỉnh lễ, cúng dường, quy y đức Văn Thù đồng tử Bồ tát ma ha tát!
Bậc tôn chủ trí tuệ là chốn nương tựa của chúng sinh, chính là thân trí tuệ bất nhị vô biệt duy nhất của chư Phật ba đời, ngài dùng thân tướng Bồ tát an trụ trong pháp giới tràn khắp hư không, trước chúng sinh có duyên với mình, có lúc hiện thân Phật viên mãn công đức, có lúc thị hiện bậc trưởng tử của Như lai, lại có thị hiện thành kẻ học đạo chưa viên mãn công đức, và có những lúc thị hiện hình tướng của kẻ phàm phu, thông qua hàng loạt phương tiện độ sinh như vậy, Bồ tát hành trì hết thảy sự nghiệp của chư Phật và Phật tử, nhập vào hết thảy cảnh giới chúng sinh. Cho nên, những ghi chép về ngài là bất khả tư nghì. Kinh Thủ lăng nghiêm tam muội có nói rằng, trước đây ngài đã thành Phật; kinh Lợi Chỉ Man có nói ngài là Phật trong đời hiện tại, đang trụ thế; kinh Văn Thù sát độ công đức trang nghiêm nói rằng sau khi trải qua vô số kiếp ngài sẽ thị hiện thành Phật trong tương lai, với Phật hiệu Hỗ chủ Phổ Kiến. Dù cho ngài khai triển các loại tướng sự nghiệp của chư Phật, Bồ tát như vậy, nhưng trên thực tế vĩnh viễn không tăng không giảm, dựa vào thân trí tuệ như bầu hư không, hành trì các sự nghiệp như biên tế chúng sinh.
Giống như trong Văn Thù mật tục viết rằng: “Ta sinh ra vào thời quá khứ. Ta sinh ra trước chư Phật. Ta sẽ sinh vào thời vị lai. Ta đang sinh trong thời hiện tại.” Lại viết rằng: “Ta là thân tam thế, khi các pháp không còn, giáo pháp của ta thị hiện, trước sở hoá tịch tĩnh, ta hiện thân Văn Thù an tĩnh, trước sở hoá phẫn nộ, ta hiện thân uy mãnh.” Vì thế, (tác giả) góp nhặt những ghi chép thần kì về đức Văn Thù đồng tử trong kinh Phật, lời văn giản đơn, cốt thuật lại chính xác ngắn gọn.
Là ngài, chính ngài đã khiến cho vô số Phật thành Phật
Kinh Đại thừa thánh bảo nguyên chép rằng: Bồ tát Phổ Thắng bạch với đức Phật:
– Bạch đức Thế tôn, Văn Thù đồng tử an trụ trong pháp giới không tham trước mà giảng kinh thuyết pháp, vị Văn Thù đồng tử này nhập vào pháp giới cho tới khi nào?
Thế tôn nói với Bồ tát Phổ Thắng rằng:
– Vô lượng mười vạn câu chi na do tha đức Phật nhập niết bàn, đều là do Văn Thù đồng tử khiến cho họ đạt được Bồ đề vô thượng, hết thảy những vị Phật đó ở trong hết thảy sát độ chân thực sau khi thành Phật nhập vào niết bàn. Quá khứ xa xưa không thể nghĩ bàn, không thể so sánh, không thể tuyên thuyết, vô lượng vô số kiếp trước đây, Trí Tuệ Cát Tường Phật xuất thế, từ đó rất lâu rất lâu về trước, có Trí Nguyên Như lai xuất thế. (Dưới đây trước mỗi vị Phật đều có câu “rất lâu rất lâu về trước”.) Lần lượt là Vô Thượng Trí Như lai, Trí Kiến Như lai, Trí Hạnh Cảnh Như lai, Trí Bảo Tạng Như lai, Sư Hống Như lai, Sư Tử Uy Nhiếp Như lai, Sư Tử Tuệ Như lai, Lực Tồi Phá Như lai, Trì Lực Như lai, Cát Tường Tích Tạng Như lai, Tồi Phá Như lai, Thắng Hỉ Vương Như lai, Lực Uy Nhiếp Như lai, Tối Tịch Hạnh Như lai, Tịch Quang Đỉnh Vương Như lai, Vô Biên Tuệ Như lai, Vô Biên Điều Phục Như lai, Liên Hoa Đỉnh Như lai, Vô Cấu Diện Như lai, Nguyệt Quang Như lai, Vô Cấu Quang Như lai, Thiện Tồi Chư Lự Như lai, Quang Minh Như lai, Thiện Thắng Như lai, Cam Lộ Trì Như lai, Cam Lộ Xưng Như lai, Vô Cấu Mục Như lai, Bất Thoái Chuyển Như lai, Vô Cấu Nhãn Như lai, Diệu Hương Vương Như lai, Phục Địch Như lai, Tôn Thắng Sơn Vương Trang Nghiêm Như lai, Phạm Đỉnh Như lai, Phạm Hộ Như lai, xuất hiện ở đời.
Trong một kiếp từ đó rất lâu rất lâu về trước, có sáu mươi ngàn đức Phật xuất hiện ở đời, vị thứ nhất là Quang Minh Như lai, vị sau cùng là Xưng Quang Như lai. Từ đó rất lâu rất lâu về trước, có bốn câu chi Phật xuất thế, vị thứ nhất là Nhiên Đăng Như lai, vị sau cùng là Mục Minh Như lai.
Trong một kiếp từ đó rất lâu rất lâu về trước, có chín câu chi Phật xuất thế, vị đầu tiên gọi là Lạc Mục Như lai, vị sau cùng là Thiện Phân Biệt Như lai.
Mục lục: sách Sự Tích Tám Vị Đại Bồ Tát
- Lời nói đầu
- BỒ TÁT VĂN THÙ
- BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
- BỒ TÁT KIM CƯƠNG THỦ
- BỒ TÁT DI LẶC
- BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG
- BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
- BỒ TÁT PHỔ HIỀN
- Giới thiệu tác giả