Một góc nhìn mang tính tư liệu về địa chính trị Đông Dương đầu thập niên 1920
Tác phẩm dịch Nam kỳ ngao du của tác giả Léon Werth ra mắt độc giả Pháp sau chuyến đi của ông đến xứ Nam kỳ vào năm 1924. Chuyến đi đã đánh động phủ toàn quyền lúc bấy giờ. Tuy cuộc hành trình đến Nam kỳ của Léon Werth phát xuất từ sự hiếu kỳ về một xứ nhiệt đới có vẻ trầm buồn, cũng có phần hoa lệ tựa xứ Passy của Pháp, "với những tòa nhà trưng trổ lan can kiểu Louis XIII và mũ cột kiểu Macaronico", "khiến người ta mê mệt hoặc chán ghét như Vichy" nhưng nơi này đã khơi lên trong "lãng khách" Léon Werth một niềm say đắm, và đã làm dậy lên trong tác giả sự chán ghét chính quyền thực dân bỉ lậu, bạo lực vì đã "vô tình tàn phá" vẻ đẹp tiềm ẩn kia của đất và người An Nam.
Sự ra đời của bản dịch Nam kỳ ngao du lần này (Đông Dương dịch, Nguyễn Quang Diệu tổ chức bản thảo và hiệu đính) góp thêm một cái nhìn mang tính tư liệu về địa chính trị Đông Dương đầu thập niên 1920. Và cũng cần thấy rằng, trong sự ra đời của dòng sách ký ức Đông Dương như hiện nay, nhất là vùng Nam kỳ trong ngổn ngang chính trị - xã hội lúc bấy giờ, những ghi chép của Léon Werth như "khai mở" cho độc giả thấy thêm được bối cảnh sinh hoạt của miền Nam, mà cụ thể là Sài Gòn đầu thế kỷ 20.
Điều đáng nói là ở dòng sách này, Léon Werth và hai văn sĩ khác - Roland Dorgelès và Louis Rouband - được đánh giá cao về tài năng lẫn tài quan sát tinh tế thâu trọn gần như cảnh sắc An Nam vào trong từng câu chữ được trau chuốt vô cùng kỹ lưỡng. Mỗi tác phẩm của họ là những mảnh ghép khác nhau về một An Nam đa chiều.
Nam kỳ ngao du đọc xong cũng rất buồn. Bởi vì đây là góc nhìn của một người Âu châu văn minh nhìn vào những người thực dân đang xâu xé thuộc địa. Và những cảnh dân ta bị áp bức một cổ hai ba tròng. Thân phận dân thuộc địa đầy đau khổ. Những phân biệt đối xử vô cùng gay gắt. Những mâu thuẫn hiển hiện trong từng mái nhà, từng miền quê… Cũng có cả những câu chuyện buồn, khi những người Pháp thực sự cống hiến cho Việt Nam phải từ nhiệm vì cảm thấy khó hợp tác với những quan chức thời đó của Pháp. Có cả những người Pháp hễ thấy thực dân bắt nạt dân bản xứ thì xông vào bênh vực. Có cả các vụ tham nhũng và hối lộ tai tiếng "khủng" lúc bấy giờ liên quan tới Cảng Sài Gòn và Toàn quyền Đông Dương Maurice Long cũng như một công ty tư nhân của Pháp.
Vì đến xứ Nam kỳ để ghi chép, hành tung tự do, từ một ký giả/văn sĩ đầy khao khát, Léon Werth trở thành một vị khách tình si yêu mến cái đẹp tiềm ẩn của vùng đất mà phải chăm chú lắm, một người Âu mới có thể nhận thấy được vẻ đẹp ấy, như thiếu nữ ngủ quên bất ngờ bị phát hiện. Chàng ký giả trẻ bỗng chốc rúng động trước vải vóc, chén bát, nhang đèn, phố xá, dáng vóc, âm thanh của đất Nam kỳ; và càng đặc biệt hơn, chàng còn ngây ngất trước vẻ trầm mặc của kênh rạch, sông ngòi, thuyền buồm, đôi hàng cau, đôi quang gánh… ở đây. Tài năng của tác giả và cảm xúc từ nguyên tác là một lẽ, lẽ còn lại đó là câu chữ của bản dịch vô cùng mượt mà, đắt địa khiến cho cái hồn của tác phẩm không chỉ được bộc lộ, nâng niu mà còn được làm bật lên qua chuyến hành trình mà Léon Werth băng rừng lội suối, rong ruổi trên những ruộng muối, lang bạt khắp các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau, Bạc Liêu… để lấy tư liệu.
Đọc Léon Werth thì hiểu vì sao Saint-Exupéry là bạn thân của ông, người đã viết đề từ trên cuốn Hoàng tử bé để tặng Werth: "Tặng Leon Werth những ngày còn bé" (vì người lớn ai mà chẳng có một thời ấu thơ). Léon Werth có tài viết những chuyện đau lòng bằng cách viết nhẹ nhàng, từ tốn, bằng cái nhìn có vẻ chân thật và trong suốt của một đứa trẻ, chạy lang thang trên Trái đất này, nhìn thấy hỉ nộ ái ố, lại gần và suy ngẫm.
Trong sách, Nguyễn Quang Diệu đã thực hiện công việc vô cùng đáng trân quý: khảo tả lại những chi tiết lịch sử, những điểm mờ cần làm sáng tỏ, cung cấp lượng lớn hình ảnh về Nam kỳ thuộc Pháp nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng để tác phẩm giàu tính tư liệu về phần nhìn; chú thích cẩn thận dưới từng hình cho bạn đọc tiện tham khảo, tra cứu. Bản thảo gốc không có hình ảnh.