Những người khốn khổ là bộ truyện lớn nhất và cũng là tác phẩm có giá trị nhất trong sự nghiệp văn chương của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Ông suy nghĩ về tác phẩm này và viết nó trong gần ba mươi năm. Sau khi hoàn thành bộ tiểu thuyết, Victor Hugo đã nói: “Quyển truyện này là một trái núi”. “Một trái núi”, không những vì số trang của bộ tiểu thuyết và những vấn đề to lớn mà nó bàn tới, mà chính là vì Những người khốn khổ thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, ca ngợi đạo đức cao cả của nhân dân lao động, ca ngợi tự do, dân chủ, chống lại cường quyền áp bức, bóc lột.
Đó là lòng thương cảm đối với những con người bị xã hội chà đạp, lòng tin vào tâm hồn cao thượng của họ. Jean Valjean bị xã hội tư sản bóp nghẹt, chăng lưới bao vây, lùng bắt, cho đến chết vẫn sống một cuộc sống hi sinh cao quý vì những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Fantine bị xã hội đạp xuống, vẫn là một tâm hồn thanh cao, là một tấm gương sáng của tình mẹ con. Gavroche là một đứa trẻ bị vứt bên lề đường Paris, vẫn là một tâm hồn thơ ngây, yêu đời, dũng cảm và nghĩa hiệp.
Những người khốn khổ là bức tranh của cả một xã hội rộng lớn. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX.
Trích dẫn sách Những Người Khốn Khổ
"Khi pháp luật và phong hóa còn đày đọa con người, còn dựng nên những địa ngục giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm, chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi, và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đói khổ còn tồn tại, thì những cuốn sách như loại này còn có thể có ích.” (Hauteville House, ngày 1-1-1862- Victor Hugo)