Chúng ta có phải là tri kỷ của Bụt không? Chúng ta có hiểu được Bụt không? Thật ra người ta đã hiểu lầm Bụt rất nhiều. Không phải chỉ những người ngoài đạo Bụt mà ngay trong chính hàng đệ tử của Bụt cũng hiểu lầm Bụt. Bụt không dạy như vậy nhưng người ta nói Bụt dạy như vậy, rất oan cho Bụt. Ta hiểu lầm Bụt, rồi truyền đạt giáo lý của Bụt một cách sai lạc và kéo theo sự hiểu lầm của cả thế hệ tương lai.
Tác phẩm Tri Kỷ Của Bụt làm sáng tỏ được tinh thần rất đặc biệt của Phật giáo là khi tu tập, tìm hiểu về tư tưởng của đạo Bụt thì chúng ta phải sử dụng sự thông minh, khả năng phán xét quyết đoán độc lập của mình để nhận biết mà đừng vội tin vào bất cứ điều gì đã được ghi chép lại trong kinh. Đó là tinh thần của người học Phật, có khả năng tìm hiểu thấu đáo và phê phán tự do.
Với cái thấy thông suốt và hệ thống hóa, với tinh thần nghiên cứu và phê phán tự do, chúng ta có thể thanh lọc được toàn bộ kinh điển và có thể phục hồi được tư tưởng đích thực của đức Thế Tôn, để có thể trở thành tri kỷ của Bụt.
(Làng Mai)
Trích dẫn sách Tri Kỷ Của Bụt
... Thần thánh hóa đức Thế Tôn, biến đạo Bụt thành một tôn giáo thuần túy tín mộ là một trong hai quyến rũ lớn nhất trong lịch sử của đạo Bụt. Việc làm này có thể phát xuất từ tâm từ bi hay ý muốn thành công, nhưng có sự nguy hiểm là nếu ta không duy trì được đạo Bụt nguyên chất thì mai này chúng ta sẽ đánh mất di sản quý báu mà đức Thế Tôn đã để lại...
"Tri kỷ của Bụt" cho chúng ta cơ hội để ôn tụng lại những giáo lý mà Bụt đã đặc biệt dạy cho giới doanh thương và chính trị, những người có tầm ảnh hưởng lớn, biết cách áp dụng tuệ giác của đạo Bụt vào đời sống để họ có thể giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.