Edgar Allan Poe (1809 – 1849) được biết tới ở Việt Nam như “ông tổ truyện kinh dị”, nhưng danh xưng này không thể hiện được sự vĩ đại của Poe. Trước khi Poe xuất hiện trên văn đàn Mỹ, nước Mỹ chưa từng có một tác giả lãng mạn nào đáng kể. Ông không chỉ là “ông tổ truyện kinh dị”, ông là cây bút hàng đầu thuộc trường phải Lãng Mạn U Ám (Dark Romanticism) của thế giới, và có ảnh hưởng lớn tới trường phái Tượng Trưng và Siêu Thực của văn học Pháp.
Tuy nhiên, đó vẫn là phần nổi của tảng băng chìm trong thế giới quan của Poe. Poe, không chỉ bằng các sáng tác truyện ngắn và thơ ca của mình, mà còn bằng các bài xã luận và phê bình, liên tục lên án lối văn chương thực dụng tại Mỹ lúc bấy giờ, mà đề xướng chủ nghĩa thẩm mỹ thuần túy. Lý thuyết về sáng tạo văn chương của Poe có thể được tóm tắt ở hai điểm chính: thứ nhất, để có thể được coi là thành công, một tác phẩm phải có tác động nhất định đến người đọc; thứ hai, bản thân tác giả phải là người chủ động suy xét để tạo ra tác động này, chứ không để nó phụ thuộc vào cảm hứng hoặc ngẫu nhiên.
Tập tiểu luận “Linh tính và Lý trí” là tập hợp các bài phê bình của Edgar Allan Poe phê phán lối văn chương và báo chí thực dụng tại Mỹ lúc bấy giờ. Các bài phê bình của Poe không chỉ có ý nghĩa với lịch sử văn học thế giới, mà còn là ngọn lửa soi rọi trong đêm tối tinh thần, làm lộ diện những lối tư duy và hệ tư tưởng cản trở tự do sáng tạo và nghệ thuật chân chính. Qua các bài phê bình của Poe, ta cũng nhận diện một Edgar Allan Poe lãng mạn nhưng không hề quay lưng trước hiện thực xã hội, mà luôn tìm cách phản ánh chân thực và biểu hiện thái độ rõ ràng.
Mục lục sách Linh Tính Và Lý Trí
- Nền văn học tạp chí của chúng ta
- Việc sáng tác tiểu thuyết Mỹ
- Linh tính và Lý trí – Con mèo mun
- Thư gửi ông B.
- Thơ ca Hoa Kỳ
- Exordium – Lời Mở Đầu
- Bàn về “Cửa tiệm kì dị cũ kỹ” của Charles Dickens
- Bình luận về “Những truyện kể hai lần” của Hawthorne
- Một quan điểm về giấc mơ
- Triết lý sáng tác