Ngày nay, nhiều người đang đánh mất cảm giác an ổn − họ lo nghĩ và hoang mang không biết mình nên sống như thế nào. Do đó, họ tìm đến những điều phi thường hòng cân bằng lại tâm lý. Thế nhưng. Kể cả bạn có lấy lại được cân bằng một lần thì những điều phi thường vẫn không phải là một phần của cuộc sống thường nhật.
Khi bạn quay trở về với nhịp sống đời thường, những căng thẳng lại tích tụ chồng chất và tâm trí bạn trở nên quá tải. Oằn mình dưới sức nặng, bạn lại tìm đến những điều phi thường. Vòng lặp bất tận này có quen thuộc với bạn không? Bạn có oán thán bao nhiêu về sự phức tạp của cuộc đời này cũng không làm cho việc thay đổi thế giới trở nên dễ dàng. Nếu thế giới này chẳng đổi thay theo ý bạn, có lẽ tốt hơn là bạn nên thay đổi chính bản thân mình. Lúc đó, bất kể phải đối mặt với thế giới nào, bạn cũng đều có thể dễ dàng sống thoải mái.
Thay vì tách rời khỏi nhịp sống đời thường và tìm kiếm những điều phi thường, bạn chỉ cần những thay đổi nhỏ trong cuộc sống thường nhật để có thể vui sống thảnh thơi hơn.
Cuốn sách Cứ an nhiên rồi sẽ bình yên hướng đến chính điều đó: lối sống đơn giản, lối sống Thiền. Thay đổi lối sống không nhất thiết phải cầu kỳ phức tạp, mà chỉ cần những thay đổi nhỏ trong thói quen và cách suy nghĩ.
Trong cuốn sách này, tác giả sẽ chỉ cho bạn phương pháp để đạt được điều đó thông qua Thiền. Thiền dựa trên những giáo lý mà về cơ bản, hướng dẫn con người cách sống trong thế giới này.
Cố gắng đừng bị dao động trước những giá trị của người khác, đừng bị tán loạn trong những lo âu không đáng có, mà hãy sống một cuộc đời thật đơn giản, rũ bỏ hết thảy những gì thừa thãi. Đó chính là “lối sống Thiền”.
Một khi bạn tiếp nhận những thói quen rất mực đơn giản này, những lo sợ của bạn sẽ biến mất. Một khi bạn thành thục những bài thực hành đơn giản này, cuộc sống sẽ trở nên an nhiên hơn rất nhiều. Thiền đưa ra những bí quyết sống đơn giản cũng chính bởi lẽ thế giới này phức tạp khôn cùng.
Hãy giữ cuốn sách bên mình, và mỗi khi lo âu hoặc phiền não khởi lên trong tâm tưởng, hãy tìm đến những trang sách này.
Câu trả lời bạn tìm kiếm nằm ở trong đó.
Trích dẫn từ sách sách Cứ An Nhiên Rồi Sẽ Bình Yên
KHI ĂN, HÃY TẠM NGƯNG LẠI SAU MỖI MIẾNG ĂN
Tận hưởng cảm giác biết ơn.
Các vị sư tu Thiền ăn theo ẩm thực Shojin, hay ẩm thực chay Phật giáo. Bữa sáng (shoshoku) có cháo gạo và dưa chua. Bữa trưa (tenshin) có cơm và canh, cùng dưa chua. Và bữa tối (yakuseki) là một bữa ăn đơn giản, mặc dù thường là bữa lớn nhất trong ngày, có một món rau và nhiều cơm canh hơn. Nếu ăn thêm thì chỉ được lấy thêm cơm và tuyệt đối không ăn thịt. Bữa ăn Thiền bao hàm “Năm điều suy tưởng”. Nói dễ hiểu là:
- Chúng tôi nghĩ đến công sức của những người đã mang lại những đồ ăn thức uống này, và biết ơn họ vì điều đó.
- Chúng tôi chiêm nghiệm về những hành động của bản thân, và ăn uống trong yên lặng.
- Chúng tôi thưởng thức đồ ăn, tuyệt đối không để những cảm xúc như tham lam, giận dữ hoặc sao nhãng xen vào.
- Chúng tôi xem thức ăn như thuốc thang để nuôi dưỡng một cơ thể khỏe mạnh và bổ trợ cho linh hồn.
- Chúng tôi thành tâm tiếp nhận thức ăn như một phần trên con đường thuận hòa tiến tới sự giác ngộ.
- Chúng tôi chiêm nghiệm năm điều trên trong mỗi bữa ăn, bày tỏ lòng biết ơn với đồ ăn thức uống, và ngưng lại sau mỗi lần nhai, đặt đũa xuống. Quãng ngưng này là để chúng tôi có thể tận hưởng cảm giác biết ơn với mỗi miếng ăn. Bữa ăn không chỉ đơn thuần là để thỏa mãn cơn đói mà còn là yếu tố quan trọng trong hoạt động tu tập của chúng tôi.
KHÁM PHÁ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA CHẾ ĐỘ ĂN CHÚ TRỌNG THỰC VẬT
Mỗi kỳ ăn chay là một lần “thanh lọc nhanh” tâm trí và cơ thể.
Các vị sư đức hạnh luôn có vẻ bề ngoài rất đẹp. Ý tôi không phải là họ có gương mặt thu hút hoặc lối ăn vận sành điệu; tôi đang nói đến vẻ đẹp rạng rỡ và tràn đầy sức sống toát ra từ da dẻ và cơ thể họ. Dù ngồi hay đứng, dáng điệu của họ đều vô cùng tao nhã. Vẻ ngoài của họ đã được trau chuốt qua thời gian nhờ quá trình tu tập Thiền công phu vào mỗi sáng sớm.
Tâm trí và cơ thể vốn có một mối liên kết trực tiếp. Khi bạn mài sắc tâm trí, khí lực bên trong bạn được hồi phục và biểu hiện ra ngoài cơ thể một cách tự nhiên. Thức ăn không chỉ đơn thuần nuôi dưỡng cơ thể, mà còn có tác động quan trọng đến tâm trí. Thức ăn tạo nên cả cơ thể và tâm trí của bạn.
Khi bạn áp dụng chế độ ăn chú trọng thực vật, tâm trí sẽ trở nên an yên, không còn bị xáo động trước những kích thích vụn vặt. Điều này thể hiện rõ ở nước da rạng rỡ của bạn. Ngược lại, chế độ ăn toàn thịt tạo ra một trạng thái tinh thần thù địch. Trước khi kịp nhận ra, da dẻ của bạn đã dần trở nên sạm màu. Tôi cũng hiểu rằng rất khó để bạn loại bỏ hoàn toàn thịt và cá khỏi chế độ ăn.
Lời khuyên của tôi: Cố gắng mỗi tuần có một ngày chỉ ăn rau củ quả.
ĐỪNG SỢ THAY ĐỔI
Rũ bỏ vướng mắc với quá khứ.
Khi mùa xuân đến, những cây hoa anh đào khoe sắc rực rỡ làm thổn thức biết bao nhiêu trái tim.
Những nụ hoa khép kín dần bung tỏa, và rồi dường như chẳng mấy chốc, đã nở to hết cỡ. Nhưng chỉ trong chưa đến một tuần, những cánh hoa bắt đầu rụng dần, và thoáng chốc, cây hoa anh đào lại nhú lên những chồi lá non. Những cánh hoa rải rác trên mặt đất cũng thật nên thơ. Đó là một khung cảnh không ngừng thay đổi. Và vẻ đẹp của nó thật say đắm lòng người.
Thứ người Nhật trân quý nhất chính là vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào. Vẻ đẹp của hoa anh đào nằm ở tính chất mau nở chóng tàn, gợi lên trong chúng ta tính phù du của cuộc sống. Tương truyền rằng chính nhận thức sâu sắc về tính chất vô thường này đã tạo điều kiện cho Thiền tông có chỗ đứng và lan rộng khắp Nhật Bản. Kỳ thực, tư tưởng Thiền và lòng sùng kính hoa anh đào có mối liên hệ vô cùng sâu sắc.
Cuộc sống của mỗi chúng ta cũng giống như vậy. Mọi thứ đều không ngừng biến chuyển. Chúng ta già đi, chúng ta thay đổi, môi trường xung quanh cũng thay đổi. Những thay đổi này không có gì đáng sợ cả.
Một tâm trí linh hoạt tất chấp nhận thay đổi và không bám chấp lấy quá khứ. Thay vì oán thán vật đổi sao dời, tâm trí nhận ra những vẻ đẹp và hy vọng mới trong đó. Đó chính là cuộc sống đáng khao khát.