Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Reggio gợi ý cách thức khuyến khích trẻ thể hiện sự sáng tạo bằng việc cung cấp cho trẻ các tài nguyên mở, cơ hội trải nghiệm phong phú, không gian, thời gian… và không quên thiết lập ranh giới để quản lý việc trẻ “tự do mạo hiểm”
Reggio Emilia là phương pháp tiếp cận được khởi xướng ở thành phố nhỏ cùng tên tại nước Ý từ những năm 60 của thế kỉ XX. Nó đã trở nên nổi tiếng toàn cầu khi Diana – trường mầm non vận hành theo cách tiếp cận này - được tạp chí Newsweek của Mỹ vinh danh là một trong mười ngôi trường tốt nhất thế giới vào năm 1991.
Cuốn sách cung cấp từ bối cảnh lịch sử ra đời của cách tiếp cận Reggio đến tam giác tương tác đa chiều giữa giáo viên - phụ huynh - trẻ em với cộng đồng để hỗ trợ việc học hỏi và phát triển của trẻ. Ngoài ra nó còn cho thấy sự sáng tạo là khả năng thiên bẩm của đứa trẻ và trẻ có “hàng trăm ngôn ngữ khác nhau” (Loris Malaguzzi) để biểu đạt nó. Cuốn sách gợi ý cách thức khuyến khích trẻ thể hiện sự sáng tạo bằng việc cung cấp cho trẻ các tài nguyên mở, cơ hội trải nghiệm phong phú, không gian, thời gian… và không quên thiết lập ranh giới để quản lý việc trẻ “tự do mạo hiểm”.
Cuốn sách này sẽ trình bày cách các nhà giáo dục tại Reggio Emilia (một thành phố tại Italy, nơi khởi nguyên của cách tiếp cận Reggio) làm việc với trẻ nhỏ, đồng thời xem xét mối liên hệ giữa cách tiếp cận Reggio và các nguyên tắc cũng như những cam kết của Khung EYFS sửa đổi. Cuốn sách cung cấp những ví dụ thực tế liên quan đến trẻ em ở các độ tuổi khác nhau trong nhiều bối cảnh khác nhau, giúp người đọc thấy được mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn.
Chương 1 sẽ giới thiệu cơ bản về cách tiếp cận Reggio, bàn về lịch sử, những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của phương pháp này cũng như cách tổ chức nhà trẻ và trường mầm non.
Chương 2 tập trung vào các mối quan hệ – giữa người lớn và trẻ em, giữa những nhà thực hành giáo dục sớm và cha mẹ, cũng như giữa môi trường mầm non với cộng đồng địa phương.
Trong Chương 3, chúng ta xem xét chi tiết hơn về tính sáng tạo – môi trường và nguồn lực hỗ trợ tính sáng tạo, những cách để trẻ nhỏ thể hiện tính sáng tạo của mình và tầm quan trọng của việc quản lý “tự do mạo hiểm”.
Vai trò của môi trường được khám phá trong Chương 4 – cách sử dụng tầm nhìn, tính linh hoạt, ánh sáng và bóng tối, sự phản chiếu và không gian đa giác quan để nâng cao khả năng học tập và phát triển của trẻ nhỏ.
Quản lý thời gian là trọng tâm của Chương 5 – tận dụng tối đa các cơ hội để trẻ khám phá và điều tra, giao tiếp, suy nghĩ và phản ánh, ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động ngoài trời và tham gia các dự án dài hạn.
Chương 6 thảo luận về việc học tập và giảng dạy – phát triển ý tưởng và giả thuyết của trẻ, lập kế hoạch cho các dự án mở, học tập cá nhân và theo nhóm, việc ghi chép, chia sẻ việc học với phụ huynh và tôn vinh việc học.
Cuối cùng, Chương 7 xem xét tầm quan trọng của thực hành suy nghiệm – làm việc theo nhóm, chia sẻ kỹ năng và chuyên môn, đề cao, coi trọng ý kiến của người khác, thực hiện những nghiên cứu hành động và chịu trách nhiệm cho sự phát triển nghề nghiệp của chính mình.