"Người ta dễ quen với những điều xấu đến nỗi cảm thấy việc kêu ca về chúng giống như điều gì đó, nếu không phải là sai trái thì cũng là không hợp lý. Dẫu cho điều xấu có thể tránh được hay không thì phải là một người yêu chuộng tự do mù quáng mới không cân nhắc chúng trong đầu óc mình; mới không cảm thấy vui sướng khi phát hiện ra rằng những điều xấu ấy là những thứ không nhất thiết phải có. Bây giờ thì không có gì chắc chắn hơn rằng việc xóa bỏ trên thực tế nhóm thiểu số không phải là một hệ quả thiết yếu hay tự nhiên của tự do; rằng điều đó chẳng liên quan gì tới dân chủ mà còn là trái ngược hẳn với nguyên lý trước nhất của dân chủ, là đại diện theo tỷ lệ số học. Các nhóm thiểu số phải được đại diện đầy đủ, ấy chính là một phần mang tính bản chất của nền dân chủ. Không có điều này thì không thể nào có dân chủ thực sự mà chỉ là màn trình diễn giả dối của dân chủ mà thôi."
Chính thể đại diện (Representative government), là một trong các tác phẩm tiêu biểu của JohnStuart Mill trong bộ sách Great Books Of The Western World (Encyclopedia Britanica, 1994). Tác phẩm thuộc lĩnh vực triết học về chính trị và xã hội được xuất bản năm 1861, được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Hoa Kỳ thế kỷ XIX. John Stuart Mill xem xét vấn đề với tinh thần khách quan khoa học; mọi phán xét ông đưa ra đều có căn cứ lập luận rõ ràng và dựa trên những bằng chứng thực tế đương thời hay lịch sử. Vì vậy cuốn sách này là một tài liệu quý giá cho những tham chiếu và suy ngẫm về nền dân chủ phương Tây.
Bên cạnh Chính thể đại diện, IRED Books cũng phát hành ấn phẩm Bàn về tự do - một tác phẩm kinh điển của John Stuart Mill - đến nay vẫn là đối tượng được trích dẫn và tranh cãi trong các nghiên cứu hiện đại.
Trích dẫn sách Chính Thể Đại Diện (Bìa Cứng)
“Có những dân tộc mà đam mê cai trị người khác mạnh hơn nhiều so với ham muốn độc lập cá nhân, đến nỗi chỉ vì cái bóng của cái này mà họ sẵn sàng hy sinh toàn bộ cái kia... Một cá nhân trung bình trong số họ sẽ ưu tiên lựa chọn cơ hội, dù có xa vời và khó xảy ra đến đâu đi nữa, được chia phần đôi chút về quyền lực để áp đặt lên đồng bào của mình, hơn lựa chọn sự chắc chắn, cho bản thân mình cũng như cho những người khác, là không phải chịu đựng một quyền lực không cần thiết áp đặt lên mình. Đó là các yếu tố của một dân tộc săn tìm địa vị; ở đó đường lối chính trị của họ chủ yếu được xác định bởi việc săn tìm địa vị; ở đó chỉ có bình đẳng là được quan tâm chứ không phải tự do.” (Trích “Chương IV”)