Giới thiệu sách
Thằng Heo Sữa
Trích đoạn Anh em một nhà
Thằng Heo sữa chỉ cần vài phút là đã ngủ khò. Tí sún vẫn thường bảo là nó “dễ ngủ như heo” mà.
Thật ra chưa ai được biết “bí quyết” để dễ ngủ của Heo sữa! Ấy là trước khi ngủ, nó thường nghĩ về một ước mơ tốt đẹp.
Tối nay, Heo sữa đã nghĩ đến kỳ thi chính tả chính thức tổ chức vào dịp hè năm nay, nó lại xin được thi lần nữa. Nó không hy vọng mình viết đúng hoàn toàn để được nhận thưởng như con bé Yến cột tóc đuôi gà, nhưng chắc chắn nó sẽ không viết sai đến mười lăm lỗi, nhất là với những chữ có dấu hỏi, dấu ngã!
Trích đoạn: Năm số phận và một hoàn cảnh
Trước khi được quy tụ vào Tổ bán báo Tình thương, bọn Heo sữa mỗi đứa kiếm sống ở một nơi trong cái thành phố rộng lớn này. Người làm cái việc gomchúng lại chính là chú Huỳnh. Chú Huỳnh từng có một thời sau khi tốt nghiệp cử nhân đã làm công tác Đoàn nên có “máu” hoạt động xã hội. Đầu tiên, chú gặp Hưng kều đi bán báo, liền nảy ra ý định “chiêu mộ” nó về làm “đệ tử” của mình. Mới ướm lời là Hưng kều đã chịu ngay. Bây giờ nó hay kể lại: “Đang phải ngủ bờ ngủ bụi mà có được một chỗ ở tử tế thì có rất rất ngu mới không nhận lời”. Mỗi lần nó nói như thế là thằng Hảo lùn lại chạnh lòng vì trước kia, nó đang làm nghề đánh giầy, ngủ công viên, cũng được chú Huỳnh “chiêu mộ”, nhưng Hảo lùn lại từ chối và cho đến khi nó nhận lời thì nó đã là đứa thứ năm của cái Tổ bán báo Tình thương này! Cả Hưng kều và Hảo lùn đều còn cha hoặc mẹ nhưng vì không chịu sống với dì ghẻ, dượng ghẻ, chúng đã bỏ nhà đi lang thang. Ba đứa còn lại là Tí sún, Sáu trọc và Heo sữa thì đều đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời lang thang, Tí sún làm khá nhiều nghề vì cứ đang làm, nó lại bị đuổi do vụng về hoặc chán, tự bỏ việc cũ đổi qua nghề khác. Sáu trọc quê ở miền Tây, sau một mùa lũ lớn, cha mẹ bị nước cuốn đi, bỏ nó bơ vơ trên đời, lưu lạc đến đây kiếm sống bằng cách đi... ăn xin. Duy có Heo sữa nhờ bộ dạng “hột mít”, gương mặt hiền lành, dễ tin nên được một đại lý vé số thương tình cho nhận vé đi bán mỗi ngày mà không phải đóng tiền thế chân. Dĩ nhiên, nó chỉ được nhận con số tối thiểu là năm mươi vé mỗi ngày.
Trong Tổ bán báo Tình thương, Hưng kều vừa là đứa về trước nhất, vừa là đứa lớn tuổi hơn cả nên đương nhiên nó là thủ lĩnh. Vì vậy vừa về tới phòng ở, thằng Heo sữa đem kể ngay cho Hưng kều nghe chuyện gia đình chị Hồng “mo-rát”. Hưng kều lại kể cho ba đứa kia nghe rồi nó họp cả tổ lại, ra lệnh:
- Đã biết gia cảnh của chị Hồng rồi thì từ nay không đứa nào được giỡn với chị ấy. Còn như nếu có thể giúp chị ấy được gì thì càng tốt...
Hảo lùn cắn móng tay nói:
- Đến Tết, tao để dành tiền tới may quần áo mới chỗ chị Hồng để chị ấy có tiền công.
Chuột nhắt Tí sún vẫn ra vẻ đàn anh của Heo sữa nói với nó:
- Dù sao thì mày cũng là đệ tử của chị Hồng, mày phải nghĩ cách giúp chị ấy nhiều nhất, Heo sữa ạ!
Đâu phải thằng Heo sữa không biết nghĩ đến điều ấy, nhưng giúp chị Hồng việc gì thì nó chịu, không thể nghĩ ra. Nhân nghe Tí sún lên lớp, nó hỏi:
- Thế mày bảo tao phải làm gì?
- Thế mà cũng hỏi! Mày phải động não chớ!
Heo sữa trố mắt:
- Mày nói cái gì mà động não...?
- À! Chưa đứa nào biết cái từ động não này đâu. Cô Thu phóng viên dạy tao đó. Động não là bắt cái bộ óc của mình phải làm việc, phải suy nghĩ...
Trích đoạn Cô và trò:
Bằng cách thằng Heo sữa ghi lại những chữ nó thường gặp trên đường phố khi đi bán báo, chị Hồng “mo-rát” giải thích cho nó hiểu nghĩa của từng chữ viết đúng là thế nào. Chú Huỳnh bảo: “Trong điều kiện của cháu thì đây là cách học viết chính tả đúng tốt nhất. Nói thật nha, người lớn như chú đây cũng đâu phải chữ nào viết cũng trúng...”.
Càng nghe chị Hồng giải thích, Heo sữa càng mê và nhận ra rằng chữ Việt thật phong phú. Những ai viết một bài chính tả sai đến mười lăm lỗi như nó quả là đáng trách! Nghĩ thế, chính Heo sữa đã có “sáng kiến” mày mò tìm lỗi chính tả trong các tập truyện tranh vào lúc nó tranh thủ đọc trước khi bán. Có lần nó đã phát hiện ra trong một tập truyện, người ta cho nhân vật thám tử nói: “Tên trộm đã dấu cái máy vào trong lu gạo”, một tập khác thì viết: “Không ngờ đó lại là một học sinh xuất sắt”. Heo sữa chỉ cho chị Hồng “mo-rát” những chữ nó thấy đã bị viết sai. Chị khen nó đã ứng dụng được những hiểu biết mới của mình. Nhưng liền đó chị lại cười và nói thêm:
- Dù sao thì em vẫn phải học thêm nhiều nữa. Đây này, em xem câu này nhé...
Chị Hồng chỉ vào một chữ trong một câu thoại truyện tranh và giải thích cho Heo sữa hiểu. Lần nào cũng thế, Heo sữa lắng nghe và trong lòng nó hết sức khâm phục chị Hồng...
Heo sữa lên báo
Số báo Người thợ phát hành sáng thứ Năm tuần đó có một bài làm xôn xao cả thành phố, nhất là ở khu phố 8. Ngay sáng thứ Hai sau khi được chú Hoàn bảo vệ kể lại chuyện thằng Heo sữa bị tát chảy máu miệng, chú Minh Tổng biên tập liền cử cô Thu phóng viên đi tìm hiểu sự việc để viết bài. Chiều hôm ấy khi bán báo trở về, Heo sữa nghe chú Hoàn kể rằng cô Thu rất bất bình khi cô từ khu phố 8 lấy tin trở về. Hôm sau cô Thu còn đến sớm trước giờ Heo sữa đi bán báo và bảo nó kể lại mọi việc đã xảy ra thật chi tiết. Cô nói với nó rằng cô sẽ viết một bài báo “ra trò” để đồng thời nêu lên một số vấn đề xã hội.
Bài báo của cô Thu có đề tựa là: “Một hành động không thể chấp nhận được!”. Ngoài nội dung về việc thằng Heo sữa bị ông tổ trưởng dân phố đánh, bài báo còn lên án việc uống rượu say sưa, việc chiếm lòng lề đường để buôn bán ở đầu hẻm 15 và cả chuyện... viết sai chính tả ở một số người! Bài báo còn in cả ảnh của Heo sữa và tấm bảng viết sai chính tả ở đầu hẻm 15.
Chính vì Heo sữa “lên báo” mà chú Huỳnh đã phải vắt tay lên trán suy nghĩ việc phân công phát hành báo Người thợsố này. Cuối cùng chúquyết định:
- Heo sữa đã có ảnh trên báo, đi bán báo sẽ không tiện. Rồi người này hỏi, người kia gặp sẽ rất phiền phức. Vậy Hưng kều và Sáu trọc sẽ chia nhau bán thêm ở khu vực của Heo sữa. Riêng Tí sún thì đảm trách thêm phần bán báo ở khu phố 8, khu phố 9.
Chắc chắn bà con ở đó sẽ tìm mua báo của chúng ta.
Thằng Heo sữa được ở nhà cả ngày thứ Năm. Thế mà cũng không yên. Lúc mười giờ sáng, một phái đoàn của Nhà Thiếu nhi đến tòa báo tìm gặp nó để hỏi thăm và cho quà. Nhóm này vừa về thì đại diện của Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em đến. Cô đại diện tỏ ra rất bức xúc và hứa sẽ “làm cho ra lẽ” việc này.
Tổ bán báo Tình thương chỉ còn bốn đứa đi bán báo nhưng buổi trưa khi trở về thì cả bốn đều báo cáo chú Huỳnh là báo Người thợ đã bán hết sạch. Ở khu phố 8, Tí sún không còn báo để bán cho bà con. Thằng Chuột nhắt còn kể thêm:
- Có nhiều người hỏi thăm Heo sữa lắm. Lại có người còn kể tội ông tổ trưởng dân phố là thế này, thế nọ...
Sáu trọc rụt rè mãi mới nói:
- Nhưng bà con ở đấy họ đang lo sợ sẽ không được bán hàng nữa. Không bán hàng thì họ bị bể nồi cơm, không biết phải làm sao...?
Thằng Heo sữa không thể nào ngờ rằng chuyện của nó lại ầm ĩ lên như thế. Nó nói với cô Thu với vẻ trách móc:
- Sao cô lại nói chuyện buôn bán chiếm lề đường hẻm 15 làm gì... Nếu các cô chú ở đó không được bán hàng nữa, cháu có lỗi với họ...
Cô Thu giải thích:
- Người ta sẽ không dẹp việc buôn bán đâu, cháu đừng lo. Cô tin chắc rằng địa phương sẽ phải sắp xếp lại việc buôn bán cho có trật tự hơn. Thế cháu không nhớ là chính cháu đã bị trượt té vì bà Tám bán chè thập cẩm đổ nước bừa bãi ra đường sao?
Thằng Heo sữa không cãi lại cô Thu. Nó chỉ thầm cầu mong sao chú chiên bánh tiêu tốt bụng và ngay cả bà Tám bán chè đều không bị đuổi khỏi đầu hẻm 15...
Trích đoạn Đội kịch:
Ngày thứ Bảy học sinh tiểu học được nghỉ nên ở Nhà Thiếu nhi có mặt khá đông học trò lứa tuổi này. Từ lâu, thằng Heo sữa đã rút được một kinh nghiệm có lợi cho việc bán báo của mình. Ấy là trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, cũng là ngày nghỉ làm việc của nhiều người lớn nên số phụ huynh chở con đến Nhà Thiếu nhi không phải là ít, nó tranh thủ bán các loại báo ra thứ Bảy hoặc số Chủ nhật rất thuận lợi. Vì vậy, nó thường có mặt ở đây từ lúc sáu giờ ba mươi và chỉ khoảng tám giờ hơn đã “tiêu thụ” được quá nửa số báo mình có. Vào giờ này, đa số người lớn cũng đã vắng mặt ở đây và họ chỉ trở lại vào khoảng mười một giờ trưa để đón con em.
Hôm nay cũng là một ngày “buôn may bán đắt” của Heo sữa. Nó tự thưởng mình bằng cách cho phép mình đi một vòng Nhà Thiếu nhi xem những đứa trẻ đến đây sinh hoạt, trước khi đi một vòng lề đường quanh chợ, bán nốt số báo còn lại.
Nó đến phòng tập hát để nghe con bé Yến - con bé cột tóc đuôi gà - tập cùng các bạn trong đội Sơn ca. Heo sữa chắc chẳng bao giờ có thể trở thành ca sĩ được vì nó chẳng thuộc nổi bài hát nào, dù đôi ba phen nó đã cố học. Nhưng nó lại rất thích nghe hát, nhất là bài “Bố là tàu lửa, bố là xe hơi...”.Cứ mỗi lần nghe bài hát này là nó nhớ tới ba nó, nhớ tới ngày gia đình nó còn ở quê, nó thường được ba làm ngựa cho cưỡi và có lần đã dám nắm hai tai của ba mà giựt, miệng thì kêu: “Chạy mau! Chạy mau!”. Má nó thấy thế, đánh vào mông nó đánh bốp, bảo không được hỗn. Nhưng ba nó lại bênh: “Tôi đang là ngựa mà!”...
Không thấy con bé Yến tập hát, Heo sữa đoán là nó phải ở nhà để ôn tập cho kỳ thi học kỳ hai, cũng là chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Heo sữa hơi buồn một tí vì từ khi “thọ giáo” chị Hồng“mo-rát”, nó rất thích gặp con bé Yến để... khoe những gì mình mới biết. Coi ra con bé cột tóc đuôi gà này cũng thích nghe nó nói lại những lời giảng giải của chị Hồng. Có lần nó thú thật là nó viết chính tả giỏi chẳng qua nhờ đọc nhiều sách báo và nhớ mặt chữ chứ không phải nó hiểu được hết nghĩa của những chữ mình viết đúng. Heo sữa khoái chí nghĩ: “Ít ra thì mình cũng hơn nó ở khoản này!”.
Thông tin tác giả Nguyễn Thái Hải
Năm sinh: 1950. Quê quán: Thái Bình. Nơi sống và làm việc: Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Giải thưởng văn học:
- Truyện dài Cha con ông Mắt Mèo, giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác “Vì tương lai đất nước” của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ, 1993
- Truyện ngắn Hai con diều bay thấp, giải nhì cuộc vận động sáng tác “Tình bạn tuổi thơ” của Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2006-2007)
- Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1989-1990)
Sách Thằng Heo Sữa của tác giả Nguyễn Thái Hải, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí