Giới thiệu sách
Vũ Khí Hạt Nhân Và Ảnh Hưởng Của Nó
Như truyền thống, người Mĩ coi chiến tranh là giải pháp thay thế ngoại giao, và chiến lược quân sự là khoa học của chiến thắng. Tuy nhiên, ngày nay, trong thế giới vũ khí hạt nhân, sức mạnh quân sự không được sử dụng để đe dọa. Vai trò đó, Schelling nhận định, thuộc về quyền lực thương lượng, và cách khai thác quyền lực này, dù thiện hay ác, để gìn giữ hòa bình hay đe dọa gây ra chiến tranh, hay nói cách khác chính là ngoại giao - ngoại giao bạo lực. Trong cuốn sách này, tác giả tập trung vào cách tiềm lực quân sự - thực tế hoặc tưởng tượng - được sử dụng như một sức mạnh thương lượng, dù tinh quái hay vụng về.
Cuốn sách là sự phát triển thêm các phân tích xuất sắc đã được nêu và đề cập đến trong các tác phẩm trước của Thomas Schelling: Chiến lược xung đột (1960) và Chiến lược và Kiểm soát vũ khí (viết cùng Morton Halperin, 1961), và là đóng góp đáng kể vào kho tài liệu ngày càng phong phú về chiến tranh và ngoại giao hiện đại.
Nhận xét đánh giá về cuốn sách Vũ Khí Hạt Nhân Và Ảnh Hưởng Của Nó
“Một văn bản mẫu mực về sự tác động lẫn nhau giữa mục đích quốc gia và lực lượng quân sự.” - Book Week
“Một cuốn sách phân tích lạnh lùng nhưng được lập luận cẩn thận và không thể phản biện... Một trong những viễn cảnh đáng sợ nhất được người nhận định này vẽ ra về những con đường phía trước trong chiến tranh.” - Los Angeles Times
“Một cuốn sách xuất sắc và đầy sức nặng. Nó sẽ làm kinh hoảng tất cả những ai không muốn chú ý đến những điều không tưởng và chọc giận những người muốn nương náu vào những khuôn mẫu và suy giảm đạo đức.” - New York Times Book Review
Trích dẫn sách Vũ Khí Hạt Nhân Và Ảnh Hưởng Của Nó
LỜI NÓI ĐẦU
(CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ NHẤT, NĂM 1966)
Một trong những nguyên lí đáng buồn về hiệu năng của con người là chúng ta phá hủy dễ dàng hơn kiến tạo. Một ngôi nhà xây mất hàng năm có thể bị thiêu rụi trong vòng một giờ đồng hồ bởi bất kì tên tội phạm vị thành niên nào với giá chỉ bằng một bao diêm. Đánh bả chó thì rẻ hơn là nuôi chúng. Với một lực lượng hạt nhân trị giá 20 tỉ đô la, một quốc gia có thể phá hủy nhiều hơn so với những gì mà 20 tỉ đô la đầu tư nước ngoài có thể tạo ra. Sự tàn phá mà con người, hay các quốc gia có thể gây ra, là rất ấn tượng. Và nó thường được sử dụng để gây ấn tượng.
Khả năng gây tổn thương - thứ năng lực hoàn toàn không hấp dẫn, không thú vị, không mang hiệu năng sản xuất, dùng để phá hủy những gì được trân trọng, để gây ra đau đớn và bất hạnh - là một loại sức mạnh dùng để mặc cả, không dễ sử dụng nhưng lại thường được sử dụng. Trong thế giới ngầm, nó là cơ sở để tống tiền, cưỡng đoạt và giết người; trong thế giới thương mại, nó là cơ sở để tẩy chay, đình công và giãn thợ. Ở một số quốc gia, nó được sử dụng để ép buộc cử tri, ép buộc các công chức hành chính, thậm chí ép buộc cả cảnh sát; và là nền tảng của tính nhân đạo cũng như các hình phạt thể xác mà xã hội sử dụng để ngăn chặn tội phạm và mọi hành vi vi phạm pháp luật. Nó có hình thức bất bạo động như các cuộc biểu tình ngồi gây phiền toái hoặc gây mất thu nhập, và ở hình thức tinh vi như loại bạo lực tự gây tổn thương - loại bạo lực “rạch mặt hoặc ăn vạ” khiến người khác phải cảm thấy có lỗi hoặc cảm thấy xấu hổ. Ngay cả luật pháp cũng có thể bị khai thác: kể từ thời kì đầu của thành bang Athens (Hi Lạp), con người đã bị đe dọa kiện cáo để tống tiền, cho dù họ có nợ nần hay không. Nó thường là cơ sở cho kỉ cương, cả trong dân sự lẫn quân sự; và các vị thần cũng sử dụng nó để có được sự tuân phục.
Sức mạnh mặc cả xuất phát từ những tổn thương, tổn hại vật lí mà một quốc gia có thể gây ra cho một quốc gia khác thể hiện thông qua các khái niệm như ngăn đe, trả thù, phục hận, khủng bố và các cuộc chiến cân não, tống tiền hạt nhân, đình chiến và đầu hàng, cũng như trong các nỗ lực đối ứng để kiềm chế những tổn thương, tổn hại đó thể hiện qua việc đối xử với tù binh, hạn chế chiến tranh và quy định các loại vũ khí. Lực lượng quân sự đôi khi có thể được viện đến để cưỡng bức đạt được một mục tiêu, mà không qua thuyết phục hay đe dọa; trong suốt chiều dài lịch sử, và đặc biệt là ngày nay, con người thường muốn dùng tiềm năng quân sự để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác, đến chính quyền hoặc người dân của các quốc gia đó, bởi tác hại mà nó có thể gây ra cho họ. Nó có thể được sử dụng một cách khéo léo hoặc vụng về, cho mục đích xấu hay để tự vệ, thậm chí vì mục đích hòa bình; nhưng khi được sử dụng như một sức mạnh để mặc cả, nó trở thành một phần của hoạt động ngoại giao - phần xấu xí, tiêu cực, kém văn minh hơn - dẫu vậy, vẫn là ngoại giao.
Không có một danh xưng truyền thống cho loại ngoại giao này. Đó không phải là “chiến lược quân sự”, cái thường có nghĩa là nghệ thuật hay khoa học của chiến thắng quân sự; và, thông thường trong khi mục tiêu của chiến thắng được mô tả là “áp đặt ý chí lên đối phương”, việc tiến hành điều đó như thế nào thường ít được chú ý hơn so với việc tiến hành các chiến dịch quân sự hay tiến hành chiến tranh. Đó là thuộc về hoạt động ngoại giao, chí ít cũng thuộc lĩnh vực này, song bất thường, hay gián đoạn và nhiều tình tiết, chứ không liên tục cũng không phải trọng tâm, và, vào thời điểm xảy ra hay chuẩn bị xảy ra chiến tranh, phần ngoại giao này thường bị gạt ra ngoài lề. Tuy nhiên, trong hai thập kỉ qua, đây lại là hoạt động trọng tâm và liên tục; tại Mĩ đã diễn ra một cuộc cách mạng trong quan hệ của quân đội với chính sách đối ngoại song song với cuộc cách mạng về vũ khí nổ.
Trong cuốn sách này, tôi cố gắng minh định một vài nguyên tắc vốn là nền tảng của hoạt động ngoại giao bạo lực này. “Các nguyên tắc” có thể là một thuật ngữ mang quá nhiều tham vọng, nhưng mối quan tâm của tôi là các quốc gia sẽ sử dụng khả năng bạo lực của họ như là một sức mạnh mặc cả, hay ít nhất cũng là họ cố gắng sử dụng nó như thế nào, thách thức và rủi ro đi kèm là gì và điểm ra một số nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại. Ở một mức độ nào đó, thành công, thậm chí ở một mức độ lớn hơn, thất bại không phải là một khái niệm cạnh tranh độc quyền; khi bạo lực bị lôi kéo vào cuộc, các lợi ích kể cả của các đối thủ cũng bị đan xen, chồng chéo lên nhau. Nếu không có sự đan xen, chồng chéo thì sẽ không có sự mặc cả, mà chỉ là một cuộc giằng co.
Nhưng đây không phải là một cuốn sách về chính sách. Tôi không cổ vũ hay gièm pha máy bay ném bom, tàu bè chạy bằng năng lượng hạt nhân hay hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tôi không cố lựa chọn giữa cái chết và sự đầu hàng, hay tổ chức lại các lực lượng vũ trang. Các nguyên tắc hiếm khi dẫn thẳng đến chính sách; các chính sách phụ thuộc vào các giá trị và các mục đích, vào các dự đoán và các ước tính và thường phải phản ánh trọng lượng tương đối của các nguyên tắc xung đột (Các chính sách cần phải nhất quán, nhưng các nguyên tắc hấp dẫn hầu như luôn luôn xung đột). Đồng thời, tôi cũng không che giấu những định kiến của mình; ở một số điểm, những định kiến này bị áp đặt một cách rõ ràng, ở một số điểm, người đọc hoàn toàn có thể chia sẻ hay không cần để ý đến chúng, và ở một số điểm, tôi đã xa cách với những định kiến này đến mức bị gán cho là có những quan điểm mà tôi không hề theo đuổi.
Trong cuốn sách, tôi không đề cập nhiều đến kiểm soát vũ khí. Tôi cùng Morton H. Halperin đã viết một cuốn sách nhỏ về kiểm soát vũ khí những năm 1960-1961. Tôi vẫn thích thú với đề tài này nhưng không thấy có lí do gì để lặp lại hay viết lại ở đây. Có một số đề cập đến vấn đề nổi dậy, bạo loạn hoặc khủng bố trong nước; nhưng đó cũng sẽ là nội dung của một cuốn sách khác. Không có, hoặc có rất ít đề cập đến thế giới “phân cực” của nhiều cường quốc hạt nhân, mặc dù những gì tôi đã viết, nếu quả thực có tồn tại trong thế giới phân cực, có lẽ cũng tồn tại trong thế giới của một số cường quốc đối đầu nhau, cũng phù hợp với chính sách của Pháp hoặc của Trung Quốc, cũng phù hợp với chính sách của Hoa Kì hay của Nga. Và nếu những gì tôi nói vẫn thích hợp đến thời điểm hiện tại, thì có lẽ cũng sẽ thích hợp trong tương lai, chỉ có điều là không được đầy đủ mà thôi.
Tôi đã sử dụng một số ví dụ lịch sử, nhưng thường để minh họa, chứ không phải để làm bằng chứng. Để tìm kiếm ý tưởng, thì cuốn sách Cuộc chinh phục xứ Gaul (Conquest of Gaul) của Caesar, và Lịch sử chiến tranh Peloponnese (Peloponnesian War) của Thucydides là những cuốn tốt nhất, kể cả khi nó được đọc như là một tác phẩm hư cấu thuần túy. Tôi thường sử dụng các ví dụ gần đây để minh họa một luận điểm hoặc một chiến thuật nào đó; việc đề cập không có nghĩa là tôi tán thành, thậm chí ngay cả với một chính sách được cho là thành công. Một số trang đề cập chi tiết đến chiến dịch ném bom năm 1964 tại Vịnh Bắc Bộ không có nghĩa là tôi tán thành nó. Một số trang đề cập đến các khía cạnh cưỡng buộc của chiến dịch ném bom xuống miền Bắc Việt Nam năm 1965 không có nghĩa là tôi tán thành nó. Một số trang về chiến thuật gieo rắc sự bất hợp lí ở cấp chính quyền cao nhất, để, trong trường hợp ngược lại, khiến cho những mối đe dọa không đáng tin cậy trở nên có vẻ đáng tin cậy, không có nghĩa là tôi tán thành nó.
Tôi đã được hỗ trợ rất nhiều khi viết cuốn sách này đến nỗi tôi muốn phá vỡ các quy tắc của mình và muốn cùng những người khác chia sẻ những khiếm khuyết cũng như những lời khen ngợi dành cho cuốn sách. Các nhà phê bình có uy tín đã có tác động lớn đến nội dung và phong cách của cuốn sách này. Hai trong số họ, Bernard Brodie và James E. King, Jr., ban đầu đã rất không hài lòng với bản thảo nhưng lại càng gắn bó hơn với tác giả của nó, đã bỏ rất nhiều công sức vào từng chương và ở đây tôi không chỉ cảm ơn họ mà còn ghi nhận rằng họ vẫn chưa thực sự hài lòng. Những người khác đã thẳng thừng góp ý với tôi những chỗ chưa được, những chỗ ngôn ngữ của tôi không rõ ràng, hay cấu trúc cuốn sách thật tệ, ngoài ra có những người bạn đã tiếp thêm ý tưởng và không ngần ngại cho tôi vay mượn các ví dụ như Robert R. Bowie, Donald S. Bussey, Lincoln P. Bloomfield, Thomas C. Donahue, Robert Erwin, Lawrence S. Finkelstein, Roger Fisher, Robert N. Ginsburgh, Morton H. Halperin, Fred C. Iklé, William W. Kaufmann, Henry A. Kissinger, Robert A. Levine, Nathan Leites, Jesse Orlansky, George H. Quester và Thomas W. Wolfe. Bảng liệt kê này chưa đầy đủ, vẫn còn nhiều người khác có ảnh hưởng đến tính chất và nội dung của cuốn sách.
Tôi đã bổ sung vào một số chương, dưới hình thức biên tập lại, nhiều phần những bài báo đã được in trước đó trong Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (the Bulletin of the Atomic Scientists), Tạp chí đối ngoại (Foreign Affairs), Tạp chí Virginia (The Virginia Quarter Review), Đời sống chính trị quốc tế (World Politics), Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Đại học Princeton (the Center for International Studies, Princeton University), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Georgetown (the Center for Strategic Studies, Georgetown University), Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học California, Berkeley (the Institute of International Studies, University of California, Berkeley) và Viện Nghiên cứu Chiến lược, London (the Institute of Strategic Studies, London). Tôi rất cảm kích sự cho phép của họ, nhờ đó tôi mới có thể thực hiện được điều này.
Tôi cũng không quên nhóm trung thành ở Viện Phân tích Quốc phòng tại Washington đã tổ chức 11 cuộc hội thảo hằng tuần với tôi trong thời gian định hình bản thảo đầu tiên. Bản thảo cuối cùng được ra mắt khi tôi là khách mời của Viện Nghiên cứu Chiến lược, London.
Mùa xuân năm 1965, tôi được các cựu đồng nghiệp tại Đại học Yale mời đến dự khán Những bài giảng của Henry L. Stimson (The Henry L. Stimson Lectures) - với những bài giảng được rút ra từ cuốn sách này.
Cambridge, Massachusetts
15 tháng 11 năm 1965
Thomas Crombie Schelling (T.C.S)
Thông tin tác giả Thomas Schelling
Là giáo sư kinh tế tại Harvard và là giám đốc của Trung tâm Quan hệ Quốc tế của trường Harvard. Các tác phẩm của tác giả: Vũ khí hạt nhân và ảnh hưởng của nó, Nxb Tri thức 2022; Lựa chọn và Kết quả (Sắp xuất bản).
Sách Vũ Khí Hạt Nhân Và Ảnh Hưởng Của Nó của tác giả Thomas Schelling, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí