Giới thiệu sách
Xứ Đàng Trong
Xứ Đàng Trong được viết bởi linh mục dòng Tên Cristoforo Borri, người thành Milan nước Ý. Cùng với Hải ngoại kỷ sự của hòa thượng Thích Đại Sán và An Nam cung dịch kỷ sự của Chu Thuấn Thủy, Xứ Đàng Trong của Borri là một trong những tài liệu quan trọng và sớm nhất viết về Đàng Trong thế kỷ XVII.
Cristoforo Borri là một trong những giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, lưu trú ở đó 5 năm (1618-1622). Tập ký sự của ông tường thuật khá chi tiết về xứ Đàng Trong: từ quốc hiệu, cương vực, diện tích, khí hậu, đất đai, sản vật… đến phong hóa, tập quán, hành chính, quân sự, thương mại, đời sống tinh thần… của người Việt.
Có những nét đặc thù ở một vài vấn đề trong đời sống An Nam mà chỉ duy nhất
Cristoforo Borri mới cung cấp được cho chúng ta, hay ít nhất là ông đã làm rất chi tiết. Cũng chính ông đã nói cho chúng ta về thói quen rửa chân trước lúc vào nhà khi trời mưa, về xông hơi; ông mô tả một cách chân thực những yến tiệc linh đình của hàng trăm thực khách nhân dịp hội làng, ma chay, cưới hỏi hay thăng chức.
Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho độc giả nhiều thông tin quý giá, bổ khuyết cho chính sử của ta một số vấn đề, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam thế kỷ XVII – thời kỳ mở đầu câu chuyện tiếp xúc Đông – Tây và giao lưu văn hóa.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIÁ
“Cristoforo Borri là người đầu tiên đã mô tả đất nước An Nam, sản vật, con người, chính thể, tín ngưỡng, tập quán của xứ này. Và ông đã mô tả mọi thứ rất tuyệt vời. Ông chỉ sống 5 năm ở các vùng lân cận Đà Nẵng hoặc trong phủ Quy Nhơn. Nhưng chừng đó thời gian đã đủ để ông nắm bắt một cách chuẩn xác và gần như trọn vẹn. Ông may mắn biết ngôn ngữ xứ này, là một việc rất hiếm hoi thời đó: ông chắc hẳn là người Âu châu thứ hai đã chuyên tâm nghiên cứu tiếng An Nam. Nhưng chuyện đó cũng không đủ giải thích thỏa đáng cho cái ích lợi mà cuốn ký sự Xứ Đàng Trong của ông đem tới. Cristoforo Borri là một người ham hiểu biết. Ông đã thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc về thế giới mới xung quanh ông, và, nếu ngày nay, ta gặp phải khó khăn khi muốn xác nhận một vấn đề nào đó, thì hãy so với thời Cristoforo Borri để thấy giá trị của sự bền bỉ, sự minh mẫn của giáo sĩ này – người đã biết thiết lập những ý niệm sáng tỏ và chuẩn xác cho những thứ hoàn toàn mới lạ đối với dân Âu châu.
Có thể nói rằng, Xứ Đàng Trong là một kiểu mẫu cho hậu bối của cha Cristoforo Borri noi theo. Những giáo sĩ, những nhà du hành tới sau ông, sẽ mô tả An Nam hay Đàng Ngoài dựa theo sự phân chia của ông trong cuốn ký sự này. Người ta sẽ còn nhắc những nắm bắt tài tình của ông về một số chủ đề, đôi khi họ còn dùng nguyên cách nói của ông: về voi, tổ chim yến, y thuật, tài năng của pháo thủ An Nam, trái mít hay trái sầu riêng, v.v… Nên có một nghiên cứu đối với sự lệ thuộc của các tác giả viết về xứ An Nam xưa và những vay mượn của họ từ người tiên phong trên hết – Cristoforo Borri.” – Léopold Cadière
“Chúng tôi tin rằng, độc giả sẽ đánh giá cao bản tính của cha Borri, sự mô tả chính xác, nét ngây thơ, đầy duyên dáng trong những câu chuyện của ông. Ký sự Xứ Đàng Trong là tài liệu đầu tiên về Đàng Trong mà chúng ta có được, nó đem lại những dữ liệu vô cùng quý giá về đất nước, con người và thể chế đôi chút phức tạp của xứ sở này. Qua tác phẩm, chắc chắn người đọc sẽ nhận thấy những chi tiết về phục trang rất khác biệt với phục trang Trung Quốc mà Võ vương lệnh cho dân chúng phải mặc vào những năm 1750, chế độ mẫu quyền, v.v…” – BonifacySách Xứ Đàng Trong của tác giả Cristoforo Borri, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí