Giới thiệu sách
Chung Cuộc Của Giáo Dục
Cuốn sách chúng ta đang cùng nhau đọc Chung cuộc của giáo dục (The End of Education) được xuất bản lần đầu vào năm 1995, cách nay hơn một phần tư thế kỷ, khi nước Mỹ đang tìm kiếm những ý tưởng để cải cách giáo dục nhằm vượt qua khủng hoảng học đường. Liệu những gì được tác giả viết ra có là nỗi bận tâm của chúng ta, khi nền giáo dục của chúng ta cũng đang tìm đường “đổi mới căn bản và toàn diện”? Bạn sẽ có câu trả lời riêng sau khi đọc xong cuốn sách này. Với tôi, một giáo viên già, câu trả lời là cầu mong những ai quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là những bạn đồng nghiệp còn đang gắn bó với nghề dạy học, đọc và ngẫm nghĩ về những gì tác giả thảo luận với chúng ta. Và hy vọng các nhà hoạch định và quản trị nền giáo dục nước nhà tìm thấy ở đây những ý kiến khơi gợi suy tư theo hướng phản biện đối với những gì được cho là chính thống.
Trong tác phẩm Chung cuộc của giáo dục, Neil Postman trở lại với chủ đề giáo dục mà ông đau đáu kể từ khi bắt đầu sự nghiệp giáo dục. Đó là một chủ đề đã bùng nổ, chi phối cuộc tranh luận văn hóa ở Mỹ vào những năm 1990, với mong muốn nhà trường sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho thế kỷ XXI. Trong khi các tác giả khác tập trung vào khía cạnh công nghệ và kỹ thuật, chẳng hạn: bàn về ưu, nhược điểm của các phương pháp giảng dạy khác nhau, về các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá (giống như ở Việt Nam ta, các nhà hoạch định và quản lý giáo dục cứ bàn hoài về giảm tải và thi cử, về phân luồng và hướng nghiệp)... thì Postman vượt qua những vấn đề này, không xem đó là căn bản. Mục tiêu của ông, như trình bày trong cuốn sách này, là “xác định lại giá trị của nhà trường” trong cuộc khủng hoảng giáo dục ở Mỹ. Ông muốn thay đổi việc xác định vấn đề học đường chuyển “từ phương tiện đến chung cuộc”. Chung cuộc (end), như ông giải thích, vừa là mục đích (purpose), vừa là hoàn thành (finish), “Một trong hai nghĩa có thể áp dụng cho tương lai của các trường học, tùy thuộc vào việc có hay không có một cuộc đối thoại nghiêm túc về mục đích”. Vậy Neil Postman quan niệm thế nào về mục đích của việc đến trường? Kết thúc lời mở đầu, ông viết: “Ngoài mục đích cao cả và danh dự, việc đi học phải đạt tới sự hoàn thành, và chúng ta hoàn thành càng sớm thì càng tốt. Với mục đích như vậy, việc đi học trở thành một thể chế trung tâm (central institution), qua đó những người trẻ tuổi có thể tìm thấy lý do để tiếp tục tự giáo dục chính họ”.
(Lời người dịch)
Mục lục sách Chung Cuộc Của Giáo Dục
- Lời nhà xuất bản
- Lời người dịch
- Lời nói đầu
- PHẦN I
- Chương 1:: Sự cần thiết của các vị thần
- Chương 2: Một số vị thần thất bại
- Chương 3: Một số vị thần mới thất bại
- Chương 4: Những vị thần có thể phụng sự
- PHẦN II
- Chương 5: Phi thuyền Trái Đất
- Chương 6: Thiên thần sa ngã
- Chương 7: Cuộc thực nghiệm của nước Mỹ
- Chương 8: Luật đa dạng
- Chương 9: Thợ dệt ngôn từ - Những người tạo lập thế giới
- Lời kết
- Ghi chú
- Chỉ mục
- Phụ lục: Sơ lược về các nhân vật có tên trong tác phẩm
Thông tin tác giả Neil Postman
Sinh (1931-2003) tại New York. Năm 1953, ông tốt nghiệp Đại học bang New York (NYU) và nhập ngũ, chưa đầy năm tháng sau thì giải ngũ. Lại học tiếp. Năm 1955, ông được trường Sư phạm, thuộc Đại học Columbia, cấp bằng Thạc sĩ, và ba năm sau, 1958, ông nhận bằng Tiến sĩ. Tiếp đó ông dạy tại Khoa Anh ngữ, thuộc Đại học San Francisco. Một năm sau, 1959, ông quay về dạy tại NYU, nơi ông theo học đại học. Năm 1971, ông thành lập một chương trình sau đại học về sinh thái truyền thông tại Trường Giáo dục Steinhardt thuộc NYU. Và từ năm 1993, ông giữ chức chủ nhiệm khoa Văn hóa và Truyền thông của Trường Giáo dục Steinhardt cho đến năm 2002. Năm 2003, ông qua đời ngày 5-10 vì căn bệnh ung thư phổi.
Sinh thời, ngoài chức phận nhà giáo, Neil Postman còn là nhà văn, nhà báo, nhiều lần diễn thuyết và tham gia phỏng vấn trên truyền hình. Ông đã viết 20 cuốn sách và có hơn 200 bài đăng báo hoặc tạp chí.Trong số này có các công trình nghiên cứu về thời thơ ấu (Sự biến mất của tuổi thơ), về tác động của công nghệ đối với con người (Công nghệ - Sự đầu hàng của văn hóa trước công nghệ), về giáo dục (Dạy học như một hoạt động bảo tồn, và Dạy học như một hoạt động lật đổ - viết chung với Charles Weinngatner). Là người có tài diễn thuyết, ông đã tập hợp các bài thuyết trình trước công chúng và cho xuất bản cuốn Tự cười đến chết. Cuốn sách này đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới trẻ đến mức một ca sĩ đã lấy tựa đề của nó để đặt tên cho một đĩa nhạc của mình.
Khi tìm hiểu về ông, chúng ta có thể thấy lạ vì Neil Postman không hề sở hữu và sử dụng máy tính, ông viết tay các tác phẩm của mình, mà đấy là vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX ở ngay giữa lòng nước Mỹ (khi người Việt cũng đã làm quen với máy tính thay cho máy chữ). Với những lo ngại sâu sắc về truyền hình, về máy tính và về vai trò của công nghệ trong xã hội đương thời, Neil Postman đã tận dụng phương tiện truyền hình để bày tỏ các ý tưởng và tham gia các cuộc phỏng vấn. Ngay trong cuốn sách Chung cuộc của giáo dục, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều đoạn đề cập đến những gì hay và không hay xảy ra trên truyền hình. Hơn ai hết, Neil Postman hiểu sức mạnh của truyền hình và tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của nó đối với con người và xã hội. Cùng với thái độ phê phán, ông không ngừng khẩn khoản chúng ta hãy có câu trả lời tỉnh táo trước câu hỏi: Chúng ta sử dụng công nghệ hay công nghệ sử dụng chúng ta?
Sách Chung Cuộc Của Giáo Dục của tác giả Neil Postman, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí