Giới thiệu sách
Hồi Ức Điện Biên Phủ - Những Nhân Chứng Lên Tiếng (Bìa Cứng)
Binh sĩ Pháp đã phải đối mặt với những gì ở Điện Biên Phủ? Họ nghĩ sao về thất bại của Pháp ở tập đoàn cứ điểm này? Những nhận thức, đánh giá của họ về đối phương như thế nào? Phản ứng của chính quyền và dư luận Pháp đối với sự thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ và đối với những binh lính Pháp trở về từ Đông Dương ra sao?,… Bạn đọc có thể tìm thấy những câu trả lời thú vị cho những vấn đề này trong cuốn sách “Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng” (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2024).
“Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng” được dịch và xuất bản từ nguyên bản tiếng Pháp Paroles de Dien Bien Phu – Les survivants témoignent do Nhà xuất bản Tallandier ấn hành năm 2012. Đây là công trình hướng tới kỉ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), đồng thời tiếp nối các ấn phẩm trong Tủ sách Sử học cũng như phát triển các dự án hợp tác quốc tế trong xuất bản sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
Cuốn sách là sự hiện thực hóa mong muốn công bố một cách rộng rãi nhất lời kể của những nhân chứng còn sống, những cựu chiến binh người Pháp từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ của hai giáo sư sử học Pháp đã dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam - Pierre Journoud và Hugues Tertrais. Ngoài Lời nhà xuất bản, Lời giới thiệu (do PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học, Lời nói đầu, Lời cảm ơn, Tài liệu tham khảo, Chỉ mục từ, cuốn sách gồm 7 chương, phần giới thiệu các nhân chứng, kết luận, lời sau cùng và biên niên sự kiện trận Điện Biên Phủ.
“Câu chuyện Điện Biên Phủ” được kể lần lượt qua các chương như một bộ phim quay chậm về chiến dịch này từ phía Pháp. Qua những lời chứng và cách đặt vấn đề hấp dẫn, bạn đọc sẽ được lắng nghe những câu chuyện lịch sử một cách sinh động. Chúng ta sẽ gặp trong cuốn sách từ những nỗi băn khoăn của tướng Navarre – lúc đó là Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương – về Điện Biên Phủ “Chúng ta nên đến đó không? Chúng ta đã đến cái hố thất lạc trong vùng thượng du Bắc Kỳ này làm gì?”, đến niềm tin của binh lính Pháp vào thời điểm đó “Điện Biên Phủ là lòng chảo lớn mà chúng ta có ấn tượng rằng nó sẽ đứng vững một cách đáng ngưỡng mộ trước sự tấn công của Việt Nam” và cả niềm tin của sở chỉ huy Pháp về việc Quân đội Nhân dân Việt Nam không có khả năng đảm bảo vận chuyển hàng tiếp tế cần thiết cho việc cung cấp quân lương cho nhiều đơn vị quân đội trên vùng cao. Và rồi, chính những binh sĩ Pháp khi bị bắt làm tù binh lại “bị mê hoặc, bị khuất phục, bị tê liệt trước bức tranh toàn cảnh đang được chiêm ngưỡng” về những điều mà họ từng tin chắc là Việt Nam không thể thực hiện:
“Chúng tôi đi tới một con đường thực sự do người Việt xây dựng hoàn toàn từ đầu kể từ khi chúng tôi đến đóng quân tại Điện Biên Phủ. Đây là tuyến đường vành đai nổi tiếng bắt đầu từ Tỉnh lộ 41, phục vụ cho trận chiến trên toàn bộ mặt trận phía đông của khu vực lòng chảo {Điện Biên Phủ}. Hàng chục ngàn dân công, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, đã làm việc ngày đêm không mệt mỏi ở đó. Và kết quả là, một lần nữa khiến chúng tôi phải kinh ngạc với việc họ chỉ sử dụng những phương tiện thô sơ. Xe tải có thể dễ dàng di chuyển trên đó và nhờ vậy, những bộ phận tháo dời của khẩu pháo 105 mm có thể được chuyên chở tới gần các vị trí bố trí. [...] Ở một số nơi, những quả đồi thực sự đã bạt đi – như tác phẩm của các vị thần Titan. Trước cảnh tượng đó, chúng tôi chết lặng!”.
“Một lần nữa chúng tôi lại loá mắt trước lực lượng dân công đang bận rộn làm đường: Chẳng bao lâu sau, chúng tôi tới một con đèo nằm giữa rừng rậm. Công việc xây dựng và bảo trì khiến chúng tôi một lần nữa câm nín không thể nói nên lời vì sốc. Con đường trải dài nhiều ki-lô-mét được bao phủ các tấm ván làm từ những khúc gỗ lớn. Các cọc nối được đặt trên các lối đi để giữ sàn cố định. Những đội dân công với hàng trăm người, chủ yếu là phụ nữ trong vùng, làm việc không mệt mỏi ở khu vực mà họ chịu trách nhiệm. Trông như một đàn kiến được tổ chức hoàn hảo, những người phụ nữ di chuyển qua lại giữa con đường và chân vách núi một cách phi thường và không ngừng nỗ lực hết sức để tải đá sỏi lên. Còn những người đàn ông thì lúi húi với những thân cây tìm được trong rừng.”
“Băng qua đèo Pha Đin, chúng tôi bắt gặp một đoàn dân công dài tới tận cuối chân trời. Họ đẩy những chiếc xe đạp do nhà máy Saint-Étienne sản xuất, trên bàn đạp, yên xe cho tới tay lái chất đầy những bao gạo và thùng đạn. Còn vô số người khác nhún nhẩy bước đi với đôi quang gánh quẩy nặng trên vai. Đó là hình ảnh nổi bật về hệ thống hậu cần phương Đông! Và các cơ quan tình báo Pháp hiển nhiên đã thất bại ước tính trước khi trận chiến bùng nổ rằng quân Việt Nam không có khả năng cung cấp lương thực và đạn dược từ các căn cứ nằm ở vùng đồng bằng cách Điện Biên Phủ 400 km và huy động 40.000 quân chính quy cần thiết để bao vây một tập đoàn cứ điểm mạnh. Các cơ quan của Pháp đã không tính đến số lượng đông đảo người dân của đất nước châu Á này: họ đã không tưởng tượng được rằng tất cả người dân đều chăm chỉ và cùng tham gia.”
Trong 70 năm qua, “câu chuyện Điện Biên Phủ” đã được kể bằng nhiều cách trong cả lịch sử và văn học, dưới góc nhìn không chỉ của các nhà nghiên cứu Việt Nam mà còn của giới học giả phương Tây, đặc biệt là Pháp. Tuy nhiên, theo đánh giá của hai giáo sư Pierre Journoud và Hugues Tertrais - thì “công trình sử liệu và trận chiến Điện Biên Phủ, đến tận những năm 60 của thế kỉ XX, phản ánh một xu hướng nặng nề của nghiên cứu lịch sử ở Pháp nói chung: nghiên cứu ưu tiên những sự kiện lớn, những nguyên nhân bùng nổ của các sự kiện này, và những nhân vật hoặc nhân chứng cấp cao. Một xu hướng như vậy đã được chứng minh - nước Pháp vẫn còn bị sang chấn và điều này có thể hiểu, cần thiết, nhưng chưa đầy đủ.
“Câu chuyện Điện Biên Phủ” trong cuốn sách này đặc biệt bởi được kể bằng lời chứng của những cựu chiến binh Điện Biên Phủ từ người lính binh nhì đến vị tướng bốn sao. Họ đã lên tiếng chia sẻ về những gì họ phải đối mặt trong trận chiến, về những suy nghĩ của họ về cuộc chiến tranh thuộc địa mà họ đang tham gia, về cuộc sống thường nhật trong trại giam. Trong các câu chuyện của mình, những người lính Pháp còn tiết lộ về những kì tích hậu cần của Việt Nam và chia sẻ cách nhìn, câu chuyện của họ về những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam,… Mỗi lời chứng góp phần giúp độc giả hiểu thêm về những quan điểm, nhận thức từ phía Pháp; nhận thức và đánh gí về đối phương; phản ứng của chính quyền Pháp đối với thất bại ở Điện Biên Phủ và những binh lính Pháp trở về từ Đông Dương,…
“Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng” không tái hiện lại toàn bộ hệ thống các sự kiện phức tạp dẫn đến thất bại quân sự lớn nhất của Pháp trong Chiến tranh Đông Dương và cuốn sách cũng không phán xét những người còn sống và những người đã chết. Cuốn sách đem lại cho bạn đọc góc nhìn mới mẻ – góc nhìn của các nhân chứng, những người có vị trí khác nhau trong cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, những người có số phận cũng rất khác nhau – về một sự kiện đã xuất hiện trong rất nhiều công trình từ văn học, lịch sử đến điện ảnh,…
Cuốn sách ý nghĩa này được ra mắt vào đúng dịp Kỉ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Chúng tôi tin tưởng rằng, cuốn sách này sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều hiểu biết lịch sử giá trị và thú vị về Việt Nam, về nước Pháp cũng như về nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử có liên quan tới trận chiến Điện Biên Phủ,… trên tinh thần khoa học.
Sách Hồi Ức Điện Biên Phủ - Những Nhân Chứng Lên Tiếng (Bìa Cứng) của tác giả Pierre Journoud, Hugues Tertrais, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí