Giới thiệu sách
Kinh Thánh Cựu Ước (Bìa Cứng)
Kinh Thánh là một cuốn bách khoa toàn thư hữu ích về nhân loại cổ đại ở nhiều mặt như lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật,... và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Đối với nhân loại, đến nay chưa có tác phẩm nào có sức ảnh hưởng hơn Kinh Thánh. Kinh Thánh gồm nhiều văn thư thu lại thành hai bộ lớn là Cựu Ước và Tân Ước trong suốt hơn 1.600 năm từ thế kỷ 12 trước CN cho tới thế kỷ 2
Tại sao nên đọc Kinh Thánh Cựu Ước?
Cựu Ước là phần đầu của toàn bộ Kinh Thánh được tuyển chọn từ phần lớn kinh Tanakh của Do Thái giáo. Tên gọi "Cựu Ước" được dịch từ tiếng Latin "Vetus Testamentum", có nguyên ngữ tiếng Hy Lạp "hê Palaia Diathêkê" (Η Παλαιά Διαθήκη) nghĩa là "Giao ước (hoặc lời chứng) cũ".
Cựu Ước và Tân Ước là hai phần của tổng thể Kinh Thánh, để có một cái nhìn toàn diện mang tính tổng thể nên cần được đọc xuyên suốt, từ cái xưa cũ (khởi đầu) đến cái mới, hay là kết thúc. Cựu Ước và Tân Ước là sự bổ khuyết cho nhau. Để hiểu Tân Ước một cách trọn vẹn, Cựu Ước là một chỉ dẫn quan trọng.
Cựu Ước giúp hiểu rõ Tân Ước
Cựu Ước giúp những ai từng đọc Tân Ước hiểu rõ hơn lịch sử-nhân vật Do Thái cùng nguồn gốc một số danh xưng, như: câu chuyện lịch sử về dòng dõi vua Đavít, Đấng Cứu thế Mêsia, v.v... mà đã được nhắc đến trong Tân Ước.
Cựu Ước giúp hiểu về lịch sử một dân tộc và 3 tôn giáo
Cựu Ước là một văn bản lịch sử giúp độc giả tiếp cận với lịch sử của dân tộc Do Thái, cũng như tìm hiểu về nguồn gốc của ba tôn giáo độc thần lớn nhất: Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo.
Cựu Ước là gương soi của loài người
Đọc Cựu ước cũng là đọc lại chính bản thân chúng ta. Thông qua lịch sử, kinh nghiệm của dân tộc Do Thái, con người sẽ rút ra những bài học lịch sử quan trọng trong cuộc sống.
Cuốn sách Kinh Thánh Cựu Ước này nói về điều gì?
Kinh Thánh Cựu Ước là loạt sách quan trọng nói về Giao ước cũ (Cựu Ước – Old Testements) giữa Thiên Chúa và dân Do Thái, trước thời Chúa Yêsu giáng sinh. Loạt Cựu Ước gồm 46 sách, chia thành 4 phần chính, gồm:
Lề luật: hay Ngũ Kinh (được người Do Thái gọi chung là “Torah”), gồm các sách: Khởi nguyên, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Thứ luật. Năm quyển này kể lại liên tục lịch sử của dân Israel từ khởi thủy, cho đến khi rời khỏi Ai Cập theo Môse để tìm về Đất Hứa. Nội dung của phần này, ngoài lý giải về nguồn gốc vũ trụ, nguyên do hình thành Giao ước giữa Thiên Chúa và Do Thái dân được chọn, còn trình bày một cách hệ thống toàn bộ các lề luật/giáo lý quan trọng nền tảng của Do Thái giáo từ khởi thủy.
Sử và Truyện: gồm loạt sách Yôsua, Thẩm phán, Bà Rút, 2 sách Samuel, 2 sách các Vua, 2 sách Ký sự, sách Ezra, Nêhêmya, Tôbya, Yuđita, Esther và 2 sách Macabê. Nội dung phần này thuật lại quá trình từng bước chinh phục Đất Hứa, rồi phải chịu cảnh mất nước lưu đày, kế đến là thời phục quốc và phục hưng đạo Do Thái ngay trên đất Thánh Yêrusalem. Bên cạnh các yếu tố lịch sử, Sử và Truyện còn ẩn chứa các chi tiết về dòng dõi của Chúa Yêsu, những ký hiệu sẽ lặp lại ở các sách Tin Mừng (thuộc Tân Ước) sau này.
Thi phú: gồm các sách Yob, Thánh vịnh, Cách ngôn, Giảng viên, Diệu ca, sách Khôn ngoan và Huấn ca. Nhóm sách này còn được coi như nhóm sách Khôn ngoan, trong đó, những bậc thức giả Do Thái thể hiện sự khôn ngoan của mình thông qua kinh nghiệm sống cá nhân và khả năng luận lý của mình . Nhóm sách Khôn ngoan thể hiện hai khía cạnh quan trọng trong đặc tính dân Do Thái: năng lực, sự thiên phú, kinh nghiệm sống sâu sắc và khả năng xoay xở của dân-được-chọn (sự Khôn ngoan); với đòi hỏi tuyệt đối cấp thiết với tồn vong của dân tộc Do Thái đó là gìn giữ lề luật của đạo Do Thái (lời của các Tiên tri).
Tiên tri: gồm các sách của tiên tri Ysaya, Yêrêmya, Êzêkiel và mười hai tiên tri khác. Trong tiếng Hipri (Hebrew), từ dùng để chỉ các tiên tri là Nabi (mà tiếng gốc có nghĩa là “gọi, loan báo”); theo đó, tiên tri là những người giữ trọng trách “người loan báo”, là sứ giả và là người đạo đạt “Lời” của Thiên Chúa. Qua các sách Tiên tri, người đọc sẽ một lần nữa được lược lại tiến trình lịch sử của dân Do Thái qua các thời kỳ, nhưng lần này là từ giác độ tinh thần của lịch sử Do Thái.
Bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước được thực hiện thế nào?
Việc chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Việt bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, cách đây hơn 100 năm, và đã có khoảng 6 bản dịch đầy đủ của tác phẩm này được xuất bản.
Bản tiếng Việt do Omega+ xuất bản là bản dịch của cố Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn - một học giả uyên thâm của Giáo hội Công giáo Việt Nam, lâu nay được xem là một trong những công trình dịch thuật khả tín, khoa học nhất đã từng được xuất bản bằng tiếng Việt, theo nguyên tắc bám sát từng chữ, được giới nghiên cứu đánh giá rất cao và là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với các chủng sinh Đại Chủng viện, Học viện của các Dòng Tu…
Cha Thuấn bắt đầu dịch Kinh Thánh vào năm 1960 và tiến hành dịch Cựu Ước sau khi hoàn thành Tân Ước. Tuy nhiên, vào năm 1975, Cha mất trong một tai nạn, để lại bản dịch dang dở.
Toàn bộ bản thảo của Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn được chuyển từ Đà Lạt về Sài Gòn, và bản dịch Cựu Ước được Ban Xuất bản Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn) hoàn thành và bổ sung thêm chú thích, tiểu dẫn.
Cuối năm 1976, bản dịch Kinh Thánh (gồm Cựu Ước và Tân Ước, Nguyễn Thế Thuấn dịch, xấp xỉ 3.000 trang, khổ 14x20cm) được Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản, in 10.000 cuốn. Sách in tại Nhà in ĐMHCG (tức Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp), 38 Kỳ Đồng, nộp lưu chiểu tháng 12-1976.
Chúng ta coi lời Chúa là những triết lý tuyệt vời nhất. Tôi thấy tính chân thực trong Kinh Thánh hơn bất cứ sự kiện lịch sử trần tục nào khác. - Nhà bác học Issac Newton
Điểm đặc biệt của bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước
Bản dịch công phu được Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn thực hiện trên các nguyên bản tiếng Hipri, Aram và Hy Lạp, đối chiếu với các bản Syri và Latinh.
Cha Thuấn đã dày công thực hiện việc chú giải Kinh Thánh một cách tỉ mỉ và công phu. Đây cũng là phần nội dung được đánh giá cao so với một số bản dịch khác.
Cha khảo dị những sự khác nhau, thiếu/đủ từng chữ, từng câu trên các văn bản đã khảo sát. Ví dụ: (…) vòng lại những chữ trong văn bản không có, nhưng cần để rõ nghĩa chiếu theo mẹo, hay mạch lạc; hoặc […] vòng lại những chữ, hay câu, chắc được là có trong văn bản cựu trào, nhưng nhiều bản xưa lại không có…
Cha Thuấn còn thực hiện một lớp chú giải khác bên lề sách, với nhiều trang sách chi chít ký tự và số, với mục đích chỉ ra các đoạn khác trùng nhau, đi song song với nhau về ý tưởng trong cùng một quyển sách.
Thông tin dịch giả
Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn sinh năm 1922, tại làng La Phù, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), thuộc giáo phận Hà Nội. Năm 1951, vào Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội và thụ phong linh mục. Năm 1952, Cha Nguyễn Thế Thuấn đi du học tại Roma, và tiếp tục học tại trường Thánh Kinh Jérusalem giai đoạn 1952-1956. Về Việt Nam, Cha Thuấn được cử dạy môn Thánh Kinh tại Học viện của Dòng ở Đà Lạt, từng giữ chức Giám học Học viện và bề trên nhà dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt. Kể từ đó, Ngài gắn cuộc đời tông đồ của mình với công việc giảng dạy Thánh Kinh và dịch Thánh Kinh sang Việt ngữ.
Sách Kinh Thánh Cựu Ước (Bìa Cứng), có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí