Giới thiệu sách
Lược Sử Thiên Văn Học
Trong rất nhiều lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu về tự nhiên, dường như thật đáng
ngạc nhiên khi mà thiên văn học - lĩnh vực nghiên cứu về những vật thể ở vô cùng
xa - lại có mặt sớm nhất trong nhận thức và sinh hoạt của con người. Thế nhưng,
có một sự thật khiến cho việc này trở nên dễ hiểu hơn nhiều, đó là: dù sống ở đâu,
nền văn hóa nào, thì tất cả mọi người đều nhìn thấy bầu trời. Mặt Trời, Mặt Trăng
và những ngôi sao trên bầu trời đêm là những thứ duy nhất thuộc về của chung tất
cả mọi người. Bầu trời đã gây sự chú ý cho những tổ tiên xa xưa nhất của chúng ta
từ hàng triệu năm trước và trở thành đối tượng được chiêm ngưỡng và ghi chép lại
từ cách đây hàng nghìn năm. Thiên văn học đã ra đời sớm như vậy, và tới tận ngày
nay, khi chúng ta đã có thể bay lên bầu trời và ném cái nhìn vào những nơi xa xôi
và cổ xưa nhất của vũ trụ, ngành khoa học này vẫn đang là thứ đóng vai trò hàng
đầu trong việc thúc đẩy sự tiến lên của nền văn minh chúng ta.
Không có bất cứ bằng chứng nào có thể khẳng định một thời điểm chính xác khi
mà những tổ tiên xa xưa của chúng ta bắt đầu theo dõi những quy luật của bầu trời
và các thiên thể trên đó. Nhưng chắc chắn rằng sự biến đổi của chu kỳ sáng - tối và
những đối tượng trên bầu trời đã thu hút sự chú ý của những người cổ đại, khi họ
bắt đầu biết nhận thức về thế giới xung quanh và sử dụng những quan sát đó vào
hoạt động sinh tồn của mình. Mặt Trời có thể mang tới sự ấm áp nhưng cũng có
thể trở thành cái nóng thiêu đốt. Mặt Trăng có thể giúp người ta nhìn tốt hơn vào
ban đêm nhưng cũng có thể gây khó khăn cho những cuộc đi săn. Việc ghi nhận
được những việc đó để tự thích ứng và cải thiện tập quán sinh hoạt từ hơn 3 triệu
năm trước có lẽ có thể được coi là những quan sát đầu tiên về bầu trời của nhân
loại.
Không gì khác, mà chính sự tò mò với thế giới tự nhiên, sự say mê với vẻ đẹp và
những bí ẩn sâu nhất của bầu trời đã khiến thiên văn học không ngừng phát triển,
biến nó từ một thú vui quan sát bầu trời thuần túy với những ghi chép đơn giản trở
thành ngành khoa học mũi nhọn của nhân loại. Không chỉ thế, chính những thử
thách khắc nghiệt nhất của nghiên cứu vũ trụ, từ việc chế tạo những chiếc kính
thiên văn và cảm biến có độ nhạy vượt qua bất cứ thiết bị nào khác cho tới việc tạo
ra những con tàu có thể đưa con người và các dụng cụ vào không gian an toàn đã
khiến cho rất nhiều ngành công nghệ buộc phải phát triển và từ đó những tiện nghi
công nghệ trong chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng ngày một hoàn
thiện với tốc độ nhanh tới khó tưởng tượng.
Trong cuốn sách Lược Sử Thiên Văn Học, bạn sẽ hành trình qua thời gian để theo dõi hàng nghìn năm
lịch sử khám phá bầu trời của nhân loại.
Sách Lược Sử Thiên Văn Học của tác giả Đặng Vũ Tuấn Sơn, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí