Giới thiệu sách
Ô Vẻ Đời - Cuộc Đời Thật Ngắn Ngủi, Đừng Phí Hoài Niềm Vui
Tại sao không phải là “Ô Vẽ Đời” mà lại là “Ô Vẻ Đời”? Tháng trước, trong một trận rượu nhân ngày hội khoá K18 Phan Bội Châu, Nghệ Tĩnh gã phân trần là mặc dù gã đã từng trầy da, tróc vảy, sưng đầu, mẻ trán bởi cái nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi này nhưng gã hẵng còn yêu cái mảnh đất xứ Nghệ lắm. Mà trong từ điển xứ Nghệ làm đếch gì có từ “vẽ”. Thêm nữa cái từ “vẻ” của bọn Nghệ nó đa nghĩa hơn, nó vừa là “vẽ” lại cũng là “vẻ”. Nó hợp với cái mớ chữ đa màu sắc trong cái tạp văn của gã hơn. Gã kể rằng gã sinh ra vào trưa ngày mùng 2 tháng 4 năm 19xx, nhưng ông cụ thân sinh ra gã sợ rằng sau này sẽ thất lạc ngày sinh giống cụ nên mới làm cho gã cái giấy khai sinh ngày mùng 1 tháng 4 năm 19xx cho dễ nhớ. Vậy là cả cuộc đời gã gắn liền với cái định mệnh vui vẻ đó.
Hai câu thơ của Hoàng Mạnh Cương “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa. Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam” chính là nơi gã rời thiên đàng bụng mẹ để bước vào bể khổ trần gian. Nếu ai chưa từng một lần ở lại miền Trung quê gã thì có thể nghe Hoàng Mạnh Cương tả thêm rằng: “Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt. Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ. Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ. Không ai gieo mà mọc trắng mặt người.” Gã tốt nghiệp Đại Học Xây Dựng Hà Nội những năm ơ kìa, và Ô Vẻ Đời là tập hợp những nét vẽ vụn vặt gã vẽ cho bạn bè, cho chính mình vào những năm tháng rất đỗi khó khăn trong cuộc đời gã. Những năm tháng gã thề từ bỏ cái nghề thợ hồ bụi bặm với chan chứa nợ nần, những năm tháng gã chẳng còn có cái công trình nào để vẽ – gã bắt đầu vẽ chữ – những con chữ xộc xệch, gàn dở như chính con người gã, những con chữ ngả nghiêng trên tập bản vẽ hoàn công công trình đã hết hạn bảo hành.
Xin giới thiệu đến bạn đọc tập bản vẽ rất Đời của gã – kẻ đã tốt nghiệp “khoa Văn trường Đại Học Xây Dựng” – kẻ mà chúng tôi vẫn hay yêu mến gọi là “giỏi văn nhất lớp toán và giỏi toán nhất lớp văn K18 Phan Bội Châu – Nghệ Tĩnh” – Một người bạn nối khố của gã.
Trích đoạn hay trong Ô Vẻ Đời - Cuộc Đời Thật Ngắn Ngủi, Đừng Phí Hoài Niềm Vui
Chuyện chửi nhau
Quê mình là vùng miền núi đúng với nghĩa đen nhất nên khi mở mắt ra, nhìn vòng quanh thì chỗ nào cũng thấy núi. Nhưng chẳng hiểu vì sao mà bọn mình không được cộng thêm điểm khu vực khi thi đại học. Chắc do họ biết dân Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) học giỏi quá rồi. Thuở những năm cuối thập niên 70, đầu 80, tức là khi mình còn rất nhỏ thì nhà nào cũng có vườn, có đất rộng mênh mông nên nhà này cách nhà khác khá xa chứ không san sát như những vùng đồng bằng, phố thị khác. Các nhà nối với nhau bằng những con đường đất đầy đá sỏi và cây cối rậm rạp, rất thuận lợi cho việc tè bậy của lũ trẻ chúng mình.
Tuy nhiên, cái sự xa nhau này cũng gây ra nhiều phiền toái chứ không phải chỉ là thuận lợi không thôi. Một trong những cái phiền đó là chuyện chửi nhau. Dân mình gọi là “chởi chắc”.
…
Có những chuyện trộm cắp khôi hài như vậy nhưng cũng chưa ấn tượng với mình bằng những chuyện hậu mất đồ. Bởi cứ sau một vụ mất cắp là người ta đoán già, đoán non, rồi người ta đi điều tra cho ra nhẽ để… chửi cho sướng mồm chứ không phải đi báo công an như bây giờ. Biết chắc chắn đinh ninh thì người ta chửi đích danh. Không chắc thì người ta chửi đổng. Mà mình phục cái cách họ điều tra các vụ trộm ghê gớm. Có lẽ, đến Serlock Holmes, có sống lại cũng phải chắp tay vái họ dăm bảy vạn lần.
Sách Ô Vẻ Đời - Cuộc Đời Thật Ngắn Ngủi, Đừng Phí Hoài Niềm Vui của tác giả Phạm Phú Quảng, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí