Tất cả danh mục

Bộ 14 Cuốn Việt Nam Danh Tác - S555 (Bìa Cứng)

Khuyến mãi & Ưu đãi tại Sách Khai Trí

  1. Bao sách miễn phí (theo yêu cầu)
  2. Miễn phí giao hàng cho đơn hàng từ 150.000đ ở TP.HCM và 300.000đ ở Tỉnh/Thành khác  Xem chi tiết
  • Tác giả:

  • Ngày xuất bản:

    04 - 2023
  • Kích thước:

    14.5 x 20.5 cm
  • Nhà xuất bản:

    NXB Hội Nhà Văn
  • Hình thức bìa:

    Bìa mềm

1. Việt Nam Danh Tác - Hà Nội Lầm Than

Trọng Lang, cái tên hầu như không xuất hiện nhiều trong những đánh giá về các cây bút phóng sự có thành tựu giai đoạn 1930-1945 thuộc hệ thống sách giáo khoa hay giáo trình văn học, thế nhưng gia tài tác phẩm ấn tượng về số lượng cùng những giá trị không thể phủ nhận đã đưa Trọng Lang trở về đúng với vị trí xứng đáng đối với công chúng, đó là một trong những cây bút phóng sự tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam.

Hà Nội lầm than, ra đời năm 1938, có thể coi là thiên phóng sự đặc sắc và được nhắc đến nhiều nhất của Trọng Lang. Và Hà Nội lầm than, mà sự khác biệt ngay từ nhan đề, cho đến hôm nay, sẽ vẫn nằm trong số những diễn ngôn đáng chú ý nhất về mảnh đất này ở giai đoạn nó được tắm đẫm không khí thực dân đa sắc thái.

Hà Nội lầm than là Hà Nội của giai tầng dưới đáy, của những hạng người và hạng nghề nghiệp từng bị đặt trong sự dè bỉu, coi thường và phi chuẩn mực của đám đông xã hội. Trong vai một tay chơi có máu điều tra, Trọng Lang đã lần lượt chứng kiến và tái dựng nguyên trạng tình cảnh của những người phụ nữ “nô lệ tạm thời” tại các quán bar, tiệm nhảy, nhà thổ…, nơi lui tới thường xuyên của tầng lớp giàu có, và ưa thích thú vui xác thịt.

Hà Nội lầm than, vào thời điểm đó, quả thật, đã khía rất sâu vào một trong những thực tế đang trương phình ở các đô thị thuộc địa: nạn mua bán dâm, các địa điểm kinh doanh tình dục trá hình. Với những thủ pháp viết lách linh hoạt, thiên phóng sự này của Trọng Lang đã đem đến nhiều câu chuyện “có thể làm cho mặt trăng u ám đi được” vì mức độ chân thực, tê tái, trắng phớ của nó.

2. Việt Nam Danh Tác - Hà Nội Băm Sáu Phố Phường

Trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, sự nghiệp sáng tác của Thạch Lam chỉ non 5-6 năm, nhưng thế cũng đã đủ để Thạch Lam và những tác phẩm của ông để lại dấu ấn độc đáo, góp phần đáng kể tạo nên một thời kỳ văn học đáng nhớ. Giờ đây, khi nhắc đến những áng văn kinh điển về Hà Nội thì tập bút ký, “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam vẫn được coi là bất hủ, là mẫu mực, gây cảm hứng cho biết bao trang viết, cho bao nhiêu người viết về sau.

Hà Nội băm sáu phố phường ban đầu là những bài đăng báo của Thạch Lam, viết theo từng kỳ, sau đó được nhà xuất bản Đời Nay tập hợp lại thành sách. Cuốn sách mỏng manh về dung lượng nhưng mang trong mình sức nặng to lớn, ấy là tác phẩm biên khảo về văn hóa ẩm thực đầu tiên của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Qua các nẻo đường phố cổ ngang dọc, qua những thức quà, món ngon mang đậm hồn điệu của người dân bản xứ, bằng một giọng văn thấm đẫm tâm tình, Hà Nội băm sáu phố phường đã tái hiện một cách tinh tế cái vóc dáng cái hồn cốt của chốn cổ đô Thăng Long – Hà Nội yêu dấu.

Và quan trọng nhất, sau hơn nửa thế kỷ với biết bao vật đổi sao dời, đó vẫn còn là những trang viết đầy ắp tình cảm, ấm áp mà vẫn hóm hỉnh, giản dị mà vẫn thấu đáo, nghĩ ngợi tỉ mẩn cho từng phận người bé mọn, đồng thời cũng suy tư bao quát cho cả một thói tục, một dân tộc, một thời thế… Đây chính là những giá trị không thể bị khuất lấp của một tác phẩm kinh điển.

3. Việt Nam Danh Tác - Giông Tố

Văn học tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, phong phú, nở rộ của thể loại văn xuôi tự sự . Nhắc đến những tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của thời kỳ này, không thể bỏ qua một đại diện nổi bật, tiểu thuyết Giông tố của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng.

So với các tác phẩm tự sự Việt Nam cùng thời, Giông tố của Vũ Trọng Phụng được giới phê bình đánh giá là vượt trội cả về chiều rộng và chiều sâu của sự khái quát. Người ta thấy ở đây bức tranh xã hội Việt Nam giữa những năm 1930 với khá nhiều nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ thôn quê đến thành thị, từ giới quan lại của Pháp và của triều Nguyễn cấp tỉnh cấp huyện đến đám cường hào làng xã, từ giới công thương gia đến giới nhà báo, cho đến các tầng lớp dân nghèo ở thôn quê và đô thị.

Ngòi bút nhà văn phản ánh một cách trung thực tình trạng bất công, bất bình đẳng sâu sắc giữa người với người trong xã hội Việt đương thời, tố cáo sự chà đạp lên số phận, nhân phẩm người nghèo của những thế lực có tiền có quyền, vạch rõ tình trạng tha hóa con người đang diễn ra hầu như phổ quát ở mọi tầng lớp.

Giông tố, dẫu rằng chưa được xem là một tác phẩm toàn bích, nhưng đã chứng tỏ một bút lực mãnh liệt, một tài năng khái quát và tổng hợp cao để đưa vào tiểu thuyết một bức tranh thời đại phức tạp đầy biến động, dựng được một loạt nhân vật chân thực sống động, trong đó có những điển hình đầy sức sống.

4. Việt Nam Danh Tác - Bốn Mươi Năm Nói Láo

Được xem là cuốn sách lớn nhất và đáng đọc nhất trong thể hồi ký về lịch sử báo chí Việt Nam thời kỳ hiện đại. Với lối diễn tả giản dị, thân mật, chan chứa tính trào lộng, Vũ Bằng đã phác họa lại độc đáo những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời. Những nhân vật này lần lượt xuất hiện, mỗi người hiến cho độc giả một vài mẩu chuyện vui có, buồn có, nhưng thật mới lạ. Bốn mươi năm nói láo có các tranh minh họa của họa sĩ Tạ Tỵ.

5. Việt Nam Danh Tác - Trại Bồ Tùng Linh

“Trại Bồ Tùng Linh” là một tiểu thuyết cho thấy sự tiếp nối tuyệt vời với Vàng và máu, tác phẩm đã làm sống lại hồn cốt truyền kỳ xưa cũ trong hình hài của lối văn hiện đại. Câu chuyện tình mang màu sắc Liêu Trai giữa nhà văn Tuấn và giai nhân Hoàng Lan Hương vừa gợi lại một phong tình giữa văn nhân và hồ ly, tinh mộc, hồn hoa trong các truyện truyền kỳ thời trung đại vừa có những sáng tạo độc đáo phân tích lý tính, vốn là những điểm đặc trưng trong truyện trinh thám hiện đại.

Cùng với tập thơ Mấy vần thơ (tập mới) (6/1941), tập truyện Gió trăng ngàn (9/1941), tiểu thuyết “Trại Bồ Tùng Linh” hiện diện vừa như một tổng kết hoạt động văn chương của Thế Lữ vừa như một lời tạ từ mà ông gửi tới công chúng và những người bạn văn thân thiết để dành trọn tâm sức cho kịch nghệ.

6. Việt Nam Danh Tác - Chân Trời Cũ

Phần đông công chúng vẫn thường biết đến tên tuổi của Hồ Dzếnh qua tập thơ “Quê ngoại”, thế nhưng, ở thể loại văn xuôi, tài năng của ông cũng đã được ghi nhận với sự thành công của tập truyện ngắn “Chân trời cũ”. Trải qua nhiều thăng trầm và đau khổ nơi cuộc sống thực tại, trong các tác phẩm của mình Hồ Dzếnh đặc biệt ưa thích tìm về dĩ vãng.

Với tập truyện “Chân trời cũ”, ấy là dĩ vãng của một gia đình Việt-Hoa, cũng chính là gia đình tác giả. Một gia đình với người cha lầm lì, suốt ngày không nói, người mẹ Việt Nam chỉ biết có chịu khó về chồng con, không bao giờ một lời phàn nàn hay oán hận, mà cái ước mong sung sướng nhất là cứ được hy sinh mãi. Và một vài người con, một vài nàng dâu, – trong đó có một nàng dâu Trung Hoa – cùng lập thành cái gia đình mà số phận hình như bắt buộc phải buồn rầu.

7. Việt Nam Danh Tác - Tiêu Sơn Tráng Sĩ

Tiểu thuyết dài kỳ bậc nhất trong sự nghiệp văn chương của Khái Hưng, một trong những chủ soái của Tự lực văn đoàn.

Khác với nhiều tiểu thuyết Tự lực văn đoàn lấy bối cảnh xã hội giao thời đầu thế kỷ XX làm chính, “Tiêu Sơn tráng sĩ” lùi về thời Tây Sơn đánh bật nhà Lê, xoay quanh những nhân vật đã nổi lên rồi bị cuốn theo gió bụi thời cuộc.

Nguyên mẫu nhân vật chính cuốn tiểu thuyết là Phạm Thái (1777-1813). Ở tuổi đôi mươi, Phạm Thái kết giao với những anh hùng nghĩa sĩ trong thiên hạ, hòng khởi binh chống Tây Sơn, mong phục hưng nhà Lê, có lúc đem quân đánh đông dẹp bắc, có lúc nép bóng cửa Phật chờ thời. Cả một hành trạng lẫm liệt, một khí phách anh hùng. Nhưng việc lớn chưa thành, Phạm Thái đã sinh lụy tình giai nhân Trương Quỳnh Như, để rồi dừng lại khi những đồng chí của mình còn sôi sục ý chí.

“Tiêu Sơn tráng sĩ” là một bước tiến lớn trong nghệ thuật hư cấu hóa nhân vật lịch sử, một câu chuyện lớp lang, sinh động, rất xứng đáng được đọc lại để ta nhìn nhận rõ hơn tính chất đa dạng của văn chương Việt Nam trước 1945.

8. Việt Nam Danh Tác - Sống Mòn

Tiểu thuyết ban đầu được đặt tên “Chết mòn”, có lẽ không còn xa lạ với độc giả Việt Nam bởi từng được giới thiệu nhiều lần trong chương trình học phổ thông, cùng với tên tuổi Nam Cao.

“Sống mòn” không có một cốt truyện lôi cuốn hay kịch tính, tác phẩm chỉ xoay quanh cuộc sống thường nhật của những con người sống trong kiếp nghèo, để rồi những lý tưởng cao đẹp, tâm tính thiện lương bị bào mòn trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. Cái nghèo đeo đẳng dai dẳng khiến người ta có cảm tưởng mỗi ngày thức dậy là mỗi ngày tiến gần hơn đến cái chết của mình: họ chết trong lúc sống.

Phần lớn các tác phẩm của Nam Cao đều lấy nguyên mẫu từ các nhân vật xung quanh ông: nhân vật giáo Thứ được lấy nguyên mẫu từ chính tác giả, hay Liên – vợ giáo Thứ, được lấy cảm hứng từ bà Trần Thị Sen, vợ ông.

9. Việt Nam Danh Tác - Bỉ Vỏ

Bỉ vỏ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyên Hồng, được sáng tác khi ông chưa đầy hai mươi tuổi, cuốn tiểu thuyết đánh dấu một sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông. Đây là một trong những tác phẩm giúp Nguyên Hồng có được vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, được đánh giá là một trong số các đại diện xuất sắc của nền văn học tiền chiến.

Tiểu thuyết Bỉ vỏ được ví như bức tranh sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội, những kẻ lưu manh trộm cướp và những người bị đẩy vào vòng xoáy đó. Ở tác phẩm này, Nguyên Hồng đã sử dụng dày đặc một lớp từ lóng đặc trưng để khắc họa rõ nét chân thực những nhân vật và mảnh đời của họ. Trong ấn bản Bỉ vỏ do Nhã Nam phát hành có bảng liệt kê tiếng lóng và giải nghĩa chi tiết các từ này.

Ấn bản này được thực hiện theo bản in đầu năm 1938 của nhà xuất bản Đời nay, ấn bản mang dòng chữ giống như tờ giấy thông hành vào nghề văn của Nguyên Hồng: “Giải thưởng phóng sự tiểu thuyết năm 1937 của Tự Lực Văn Đoàn”.

10. Việt Nam Danh Tác - Tố Tâm

Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Song An Hoàng Ngọc Phách. Là đại diện tiêu biểu mở màn cho các tác phẩm của trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, khi ra mắt công chúng, Tố Tâm cũng như Hoàng Ngọc Phách đã phải đón nhận cảnh “người hoan nghênh cũng lắm; người công kích cũng nhiều”.

Dẫu rằng chính vì tiểu thuyết này mà Hoàng Ngọc Phách từng bị kết án đẩy đưa phụ nữ vào con đường bại luân lý, hủy thanh danh khi xây dựng hình ảnh nàng Tố Tâm ủy mị vì tình mà tự sát, nhưng không thể phủ nhận tác phẩm đã đem đến một cuộc cải cách văn hóa, công kích trực diện vào luân lý gò bó, nghiệt ngã (mặc dầu chính Hoàng Ngọc Phách cũng chưa thể đoán trước được sức ảnh hưởng như vậy khi đặt bút viết).

Ấn bản này được thực hiện theo ấn bản Tố Tâm của nhà xuất bản Nam Ký, in tại nhà in Trung Bắc Tân văn, năm 1933.

11. Việt Nam Danh Tác - Tắt Đèn

Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố đăng lần đầu trên báo Việt nữ từ năm 1937, sau đó được in thành sách và gần như ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ công chúng.Tại thời điểm mà các sáng tác về đề tài nông thôn vẫn còn vắng vẻ, đìu hiu, chẳng đáng kể gì cho lắm thì sự ra đời của tác phẩm Tắt đèn đã được Vũ Trọng Phụng ví như “kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy”.

Với lợi thế am hiểu thôn quê và xã hội cổ truyền của mình, qua Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã tái dựng một cách sinh động về đời sống nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ, một đời sống ngột ngạt cùng quẫn tăm tối bởi nạn “sưu cao thuế nặng” mà đối tượng trung tâm là những người nông dân thấp cổ bé họng. Điều giúp cho Tắt đèn ghi dấu sâu sắc trong lòng lớp lớp độc giả chính là tấm lòng cảm thông, trân quý những kiếp người bé mọn trước cảnh bị dồn vào đường cùng của tác giả. Ấn bản này được thực hiện theo ấn bản Tắt đèn của Mai Lĩnh xuất bản, in năm 1939, chỉ sửa một số cách viết cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay, ví dụ “dây cót” thay cho “giây cót”, “giận dữ” thay cho “dận dữ”

12. Việt Nam Danh Tác - Lều Chõng

Tên gọi tiểu thuyết là tên hai thứ đồ vật mà sĩ tử khi vào trường thi phải cõng theo: “lều” để tự mình cắm lên ngồi thi và “chõng” để mình làm bàn viết. Lấy chất liệu là toàn bộ kinh nghiệm dùi mài kinh sử học và thi chữ Hán của tác giả, kết hợp với những chuyện trong nhà và những điều mắt thấy tai nghe, đây có thể coi là một thiên phóng sự mô tả cách thức thi cử theo lối Nho giáo thời hậu kỳ nhà Nguyễn.

“Lều chõng” được đăng lần đầu tiên trên báo “Thời vụ” từ số 112 (21/3/1939) và được xuất bản thành sách năm 1941 ở nhà Mai Lĩnh. Ngô Tất Tố viết tác phẩm này nhằm phê phán chế độ khoa cử phong kiến bởi vì “Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong” như ông đã tự mình viết trong lời giới thiệu đầu sách.

13. Việt Nam Danh Tác - Truyện Đường Rừng

Cho đến đầu thế kỉ XX, rừng núi, vùng cao trong tâm thức người Việt đồng bằng vẫn còn là một ý niệm mới mẻ, đem lại cảm giác sợ hãi xen với tò mò. Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Đái Đức Tuấn… đều đã từng thử sức với đề tài này, kéo được một lượng độc giả nhất định.

Lan Khai có một đời văn không quá dài, nhưng đã sớm đi theo tiếng gọi của rừng thẳm và để lại dấu ấn trong trí độc giả nhờ tập truyện này. Tập sách là các câu chuyện đường rừng, khai thác bộ ba NGƯỜI LẠ – MA – THẦN, với những cảnh sắc kì quái xen giữa các chi tiết đời thường.

“Truyện đường rừng” có thể được hiểu như một gợi nhắc cho con người hiện đại về sự tồn tại của những mảnh vỡ truyền thuyết, huyền thoại. Hơn nữa, việc nhân cách hóa ma, thần để can thiệp vào thường nhật, bao giờ cũng vậy, ẩn giấu những bài học đối nhân xử thế, lời khuyên can, nhắc nhủ.

14. Việt Nam Danh Tác - Vàng Và Máu

"Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu.

Nhà văn đó ngay nay đã có: chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn.

Thực vậy, tác giả những truyện VÀNG VÀ MÁU và MỘT ĐÊM GIĂNG đã tỏ ra có bộ óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm hay huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya.

Ấy cũng nhờ có thi vị mà truyện Vàng và Máu không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình. Và nhờ có óc khoa học mà tác giả khiến truyện Vàng và Máu không huyền hoặc chút nào, tuy đọc nhiều đoạn ta vẫn có cái cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỷ.

Truyện chỉ là một truyện để vàng của người Tàu, xưa nay các cụ già thường kể cho ta nghe. Nhưng truyện Vàng và Máu gần sự thực biết bao. Trong truyện không sự gì xảy ra mà không hợp lẽ, không một cái kết quả nào là không có nguyên nhân chắc chắn vững vàng.

Tác giả lại khéo đặt cốt truyện vào giữa một nơi rừng rú sâu thẳm. Đọc truyện, ta tưởng tượng như đứng trước một cảnh vĩ đại, thâm u. Là vì những cảnh tả trong truyện toàn là những cảnh trong đó tác giả đã sống một quãng đời niên thiếu - tôi muốn nói tỉnh Lạng Sơn, nơi sinh quán của Thế Lữ."

(Khái Hưng)

"Phải dán giấy này như cũ, mang theo trong mình cho đến khi vận hết của trong Văn Dú. Nếu trong hang không có dấu vết tìm đào thì về sau tìm đến con cháu họ Hoàng mà thưởng cho họ năm nghìn vàng. Nếu thấy có người chết và có chỗ đá lở thì phải cẩn thận mà hết sức tránh sự báo thù của họ Hoàng".

Sách Bộ 14 Cuốn Việt Nam Danh Tác - S555 (Bìa Cứng) do Nhiều tác giả thực hiện, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí
Bộ 14 Cuốn Việt Nam Danh Tác - S555 (Bìa Cứng)