Thạch Lam
Sinh (1910 - 1942) tên thật là Nguyễn Tường Vinh, là nhà văn Việt Nam nổi tiếng thời tiền chiến. Trong 32 năm tại thế ngắn ngủi, Thạch Lam đã lưu lại dấu ấn không thể phai mờ trên văn đàn. Sau khi đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học, bắt đầu làm báo và trở thành thành viên chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, bên cạnh hai người anh trai là nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo. Ban đầu, Thạch Lam phụ trách biên tập cho hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay của văn đoàn, về sau trở thành chủ bút của tờ Ngày nay. Cuối thập niên 1930, Thạch Lam ra mắt các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), và truyện dài Ngày mới (1939).
Văn phong Thạch Lam nổi bật với những câu chữ dịu dàng, tình cảm, thâm trầm và sâu sắc. Ngòi bút Thạch Lam hướng đến những phận đời đau khổ trong xã hội, đặc biệt là những nỗi đau về mặt tinh thần của người trí thức trong xã hội Việt Nam trước năm 1945. Ngoài sở trường truyện ngắn, Thạch Lam còn viết bình luận văn học với tập Theo giòng (1941). Tùy bút Hà-nội băm sáu phố phường của Thạch Lam được nhà xuất bản Đời Nay in năm 1943, một năm sau khi tác giả mất vì căn bệnh lao phổi.