Nhượng Tống

Sinh (1904-1949), tên thật là Hoàng Phạm Trân, vì bút danh Nhượng Tống nên còn được gọi là Hoàng Nhượng Tống. Ông là nhà văn, nhà báo, dịch giả tài hoa số 1 của Việt Nam và là nhà cách mạng Việt Nam. Ông là người làng Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Thời gian ông viết và dịch sung sức nhất là khoảng thập niên 1940 với những truyện dịch cũng như trứ tác khác. Tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học tham gia Nam Đồng thư xã và thành lập chi bộ để tiến tới thành một đảng cách mạng. Song khác với Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Nguyễn Thái Học... Nhượng Tống chủ trương "hòa bình cách mạng", tức không ủng hộ tư tưởng "bạo lực cách mạng", dùng "sắt và máu để giành lại độc lập dân tộc."

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Nhượng Tống cùng với các đồng chí thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng tại làng Thể Giao, Hà Nội. Ông là ủy viên trong Trung ương Đảng bộ với vai trò trọng yếu trong việc biên soạn văn thư tuyên truyền và huấn luyện đảng viên.

Năm 1929, theo kế hoạch của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống vào Huế gặp Phan Bội Châu, nhưng khi trở ra khi thì bị Pháp đón bắt. Hội đồng đề hình tuyên án ông 10 năm tù rồi đày ra Côn Đảo mãi đến năm 1936 mới được tha, nhưng vẫn chịu sự quản thúc tại quê nhà. Khi ông đang ở nhà lao Côn Đảo, thì các đồng chí của ông tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930), nhưng bị thực dân Pháp đàn áp và khủng bố.

Sau Cách mạng tháng Tám, vào tháng 12 năm 1945, ba đảng phái là: Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính Đảng, Đại Việt Quốc dân Đảng liên minh thành Mặt trận quốc dân đảng Việt Nam, rồi cùng tham gia vào Chính phủ Liên hiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 1946, Pháp tái chiếm liên bang Đông Dương, thì Chính phủ Liên hiệp Việt Nam tan vỡ.

Năm 1947, hết thời gian bị quản thúc, Nhượng Tống trở lại Hà Nội (1947), rồi cùng với một số đồng chí tái tổ chức lại hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng tại một số vùng do quân Pháp kiểm soát.

Ngày 17 tháng 2 năm 1947, Việt Nam Quốc dân đảng tham gia Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc, chống lại chính quyền Việt Minh và ủng hộ giải pháp Bảo Đại, thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam. Ông làm cố vấn cho Tổng trấn Bắc phần Nghiêm Xuân Thiện. Nhưng rồi vì những mâu thuẫn trong giới chính khách Hà Nội, trong nội bộ Việt Nam Quốc dân Đảng, nên đầu năm 1949, ông lặng lẽ trở về hành nghề thầy thuốc Bắc tại 128 phố Chợ Hôm, Hà Nội. Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Nhượng Tống bị ám sát tại Hà Nội vì bị cho là phản quốc.

Tác phẩm dịch của Nhượng Tống:

  • Trang tử, Nam Hoa kinh, Hà Nội: Tân Việt, 1945 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt, 1962; tái bản sau 1975: Văn học, 2001);
  • Khuất Nguyên, Ly tao, 1944 (in lại trong: Khuất Nguyên, Sở từ, Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch, Hà Nội, Nxb Văn học, 1974);
  • Thơ Đỗ Phủ, Hà Nội: Tân Việt, 1944 (tái bản sau 1975: 1996); Sử ký Tư Mã Thiên, Hà Nội: Tân Việt, 1944;
  • Vương Thực Phủ, Mái Tây (Tây sương ký), Hà Nội: Tân Việt, 1944 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt; in lần 3: Sài Gòn: Tân Việt, 1963; sau 1975: Văn học, 1992);
  • Tào Tuyết Cần, Hồng lâu mộng, 1945;
  • Lão tử, Đạo đức kinh, 1945; Khổng tử, Kinh Thư, Sài Gòn: Tân Việt, 1963;
  • Văn dịch ký bút danh Mạc Bảo Thần: Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội: Tân Việt, 1945 (tái bản: Sài Gòn: Tân Việt, 1964);
  • Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục, Tân Việt, 1945 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt, 1949; lần 3: Sài Gòn: Tân Việt, 1956).
 

HƠN 21.000 TỰA SÁCH HAY

Tuyển chọn bởi sachkhaitri.com

 

MIỄN PHÍ GIAO HÀNG

Từ 150k ở HCM, từ 300k ở tỉnh thành khác

 

QUÀ TẶNG MIỄN PHÍ

Tặng bookmark, bao sách miễn phí

 

ĐỔI TRẢ NHANH CHÓNG

Hàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng